Mục tiêu của Đề án là nhằm giảm sự chênh lệch về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực giữa nữ cán bộ, công chức, viên chức so với nam cán bộ, công chức, viên chức trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng tại cơ quan, tổ chức của nhà nước; đồng thời góp phần xây dựng và phát triển vững chắc đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới; tăng cường công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức nữ bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới.
Bảo đảm bình đẳng giới trong bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong đó khi thực hiện kiện toàn, sắp xếp, bổ nhiệm các chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp cần bảo đảm tỷ lệ nữ nhằm thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, ưu tiên lựa chọn nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và trong quy hoạch chức vụ, chức danh đó; bố trí, tạo điều kiện, cơ hội để nữ cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, ngoại ngữ, tin học...
Nâng cao năng lực đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới.
Kinh phí triển khai thực hiện Đề án từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực khác theo quy định. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trên phạm vi cả nước là đối tượng thực hiện các nội dung trên.
Hoàng Mai