Xây dựng nông thôn mới ở 10 xã điểm năm 2015: Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt nhưng chất lượng chưa cao

Thứ sáu - 01/04/2016 16:00 46 0
Tây Ninh đã có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 16 xã, chiếm 20% tổng số xã trên địa bàn tỉnh.

maytredan - Copy.jpg

Nâng cao thu nhập cho người dân vẫn là bài toán khó (Ảnh minh họa).

Trước đó, theo đề nghị của UBND các huyện về việc thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 cho 10 xã, gồm: Long Khánh, Long Phước (Bến Cầu), An Hoà (Trảng Bàng), Tân Lập (Tân Biên), Long Thành Bắc (Hòa Thành), Phước Đông (Gò Dầu), Chà Là (Dương Minh Châu), Thạnh Đông (Tân Châu), An Bình, Thanh Điền (Châu Thành); Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới tỉnh Tây Ninh đã tổ chức làm việc tại 10 xã để thẩm định hồ sơ và mức độ đạt 19 tiêu chí năm 2015.

Theo đó, UBND các xã và UBND các huyện thực hiện trình tự, thủ tục, hoàn chỉnh hồ sơ đúng quy định của Quyết định số 372 ngày 13/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 40 ngày 13/11/2014 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Trong đó, đã hoàn thành các bước quan trọng, như: Lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội về kết quả thực hiện 19 tiêu chí của xã; Tổ chức họp Ban chỉ đạo XDNTM để thảo luận, bỏ phiếu đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Kết quả thẩm định có 10 xã đạt 19/19 tiêu chí. Trong đó, đa số tiêu chí của 10 xã đạt ở mức tương đối cao so với quy định, như: Tiêu chí 1 về quy hoạch; tiêu chí 3 về thủy lợi; tiêu chí 4 về điện nông thôn; tiêu chí 7 về chợ; tiêu chí 8 về bưu điện; tiêu chí 9 về nhà ở; tiêu chí 11 về hộ nghèo; tiêu chí 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; tiêu chí 18 về hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và tiêu chí 19 về An ninh trật tự xã hội.

Tuy nhiên, còn một số tiêu chí, chỉ tiêu chỉ đạt ở mức cơ bản, chất lượng chưa cao, như: Tiêu chí  2 về giao thông; tiêu chí 5 về trường học; tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa; tiêu chí 10 về thu nhập; tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất; tiêu chí 14 về giáo dục; tiêu chí 15 về y tế; tiêu chí 16 về văn hóa; tiêu chí 17 về môi trường.

Cụ thể như tiêu chí giao thông nông thôn có 10/10 xã đã nhựa hoá, cứng hoá hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã đạt 100% theo quy định nhưng còn một số tuyến đường ngõ, xóm cần được bổ sung kinh phí, vận động nhân dân đầu tư thêm để hoàn thiện; chủ yếu là các tuyến đường ngõ xóm do chưa được đầu tư hoàn chỉnh, một số tuyến chỉ đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa. Ở tiêu chí trường học, hiện có 100% trường học trên địa bàn 10 xã đã được đầu tư, đáp ứng cơ bản yêu cầu đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí xây dựng trường học quá lớn, tiến độ phân bổ vốn còn chậm, một số địa phương chưa có sự chuẩn bị tốt về mở rộng diện tích đất xây dựng...nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và hoàn thành của tiêu chí trường học.

Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa các xã đều được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới Trung tâm Văn hóa Thể thao và Học tập cộng đồng (VHTT&HTCĐ) xã và các nhà văn hoá ấp, đạt 100% (các ấp gần Trung tâm VHTT&HTCĐ xã không đầu tư Nhà văn hóa, sinh hoạt chung tại Trung tâm VHTT&HTCĐ xã). Tuy nhiên còn một số công trình triển khai chậm, đến đầu năm 2016 mới triển khai thi công, như: Hội trường Trung tâm Văn hóa xã Long Thành Bắc, xã Phước Đông).

Đoàn Thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới tỉnh đề nghị các địa phương quan tâm đến chất lượng hoạt động các Trung tâm VHTT&HTCĐ xã và Nhà văn hoá ấp, khẩn trương khắc phục các hạn chế, như: Chưa có một số công trình phụ trợ, cán bộ của Trung tâm chưa có trình độ trung cấp chuyên ngành; thực hiện đúng quy định trong việc xét công nhận gia đình văn hóa, ấp văn hóa; hoạt động của Trung tâm văn hoá.

Về tiêu chí 10 thu nhập, kết quả điều tra thu nhập năm 2015 của các xã đều đạt quy định (từ 34 triệu đồng/người/năm trở lên), trong đó đạt cao nhất là xã Long Khánh (37 triệu đồng); các xã còn lại đạt từ 34-35 triệu đồng do đó cần thực hiện nhiều giải pháp nâng cao mức độ đạt tiêu chí 10 trong các năm tiếp theo để theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Đông Nam Bộ (tăng bình quân 13%/năm tương đương 4 triệu đồng/năm). Đến năm 2020, quy định vùng Đông Nam Bộ thu nhập bình quân phải đạt 58 triệu đồng/người/năm. Đây là một thách thức lớn trong việc thực hiện và giữ vững tiêu chí thu nhập.

Về tiêu chí 13 – hình thức tổ chức sản xuất, phần lớn các xã chọn Tổ hợp tác (THT) là đối tượng xét thẩm định tiêu chí. Tuy nhiên, mô hình THT chủ yếu dựa trên nhu cầu người dân có chung mục đích, cần hợp tác. THT không có pháp nhân, việc quản lý điều hành đơn giản. Do đó tổ chức THT thiếu tính chặt chẽ, tính ràng buộc thấp, không ổn định và bền vững. Ngoài mô hình Quỹ tín dụng nhân dân thì tiềm lực các Hợp tác xã (HTX) khác còn yếu, hiệu quả hoạt động thấp và tính liên kết trong nội bộ HTX chưa cao.

Về chỉ tiêu 14.3 tỷ lệ lao động qua đào tạo. Theo yêu cầu, xã đạt chỉ tiêu này cần có từ 40% lao động nông thôn trở lên qua đào tạo, có chứng chỉ nghề. Qua kết quả thẩm tra chỉ có xã Long Thành Bắc đạt cao nhất (gần 56%), các xã còn lại chỉ đạt cao hơn yêu cầu của chỉ tiêu từ 1-3%.

Về tiêu chí y tế, trong năm 2015 các xã đã nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp để vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tuy đạt theo yêu cầu của tiêu chí (từ 70% trở lên) nhưng mức độ đạt chung của 10 xã không cao (đạt cao nhất là xã Thạnh Đông 74,5%, các xã còn lại đạt từ 70% đến hơn 73%); chưa đảm bảo tỷ lệ theo lộ trình BHYT toàn dân (75% trong năm 2015). Mặt khác, giải pháp vận động doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ mua BHYT thời hạn 3 tháng, 6 tháng cho người dân chỉ là giải pháp tình thế, do đó khó giữ vững được tiêu chí trong năm 2016.

Về tiêu chí 17 môi trường (chỉ tiêu 17.3 - không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp và chỉ tiêu 17.5 - Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định), các xã chỉ đạt ở mức cơ bản, công tác vận động nhân dân và xử lý rác thải cần được quan tâm thường xuyên để giữ gìn cảnh quan môi trường trên địa bàn.

Ngoài ra, ở tiêu chí 18 về Tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và tiêu chí 19 về An ninh trật tự xã hội, 10 xã điều đạt yêu cầu nhưng đây là 2 tiêu chí thường biến động trong mọi thời điểm, vì vậy công tác chỉ đạo, điều hành của Cấp ủy, Chính quyền các xã phải luôn tập trung để giữ vững.

Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh đề nghị các sở, ngành và UBND các huyện quan tâm, chỉ đạo UBND các xã duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; tiếp tục phấn đấu hoàn thiện, đạt mức độ cao hơn trong thời gian tới. Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư đạt chuẩn; đặc biệt phải thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao tiêu chí 10 về Thu nhập và chỉ tiêu 15.1 về Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đáp ứng yêu cầu của tiêu chí hàng năm và lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.

Huy Liệu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây