171 câu hỏi-đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đai biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Thứ hai - 04/04/2016 11:00 30 0
171 câu hỏi - đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (câu 91 đến câu 100)

Câu 91: Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu thấy có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện có cùng phạm vi địa giới hành chính với cơ quan lập danh sách cử tri (Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12)[1].

Thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 104 Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 như sau: Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày (Theo quy định tại Điều 104 Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12)2.

Ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán thụ lý ngay vụ án. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc đình chỉ vụ án và trả lại đơn kiện. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên toà xét xử. Bản án, quyết định đình chỉ vụ án giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri có hiệu lực thi hành ngay. Đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị. Tòa án phải gửi ngay bản án, quyết định đình chỉ vụ án cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp (Theo quy định tại Điều 168, Điều 169 và Điều 172 Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12)[2].

[1], 2. Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 sẽ bị thay thế bởi Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 từ ngày 01-7-2016. Xem Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính (BT).

[2]. Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 sẽ bị thay thế bởi Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 từ ngày 01-7-2016. Xem Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính (BT).

Câu 92: Thế nào là người được giới thiệu ứng cử và thế nào là người tự ứng cử?

Trả lời:

Người được giới thiệu ứng cử là người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan nhà nước ở trung ương hoặc địa phương giới thiệu để được xem xét đưa vào danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Người tự ứng cử là người có đủ điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội, hay đủ điều kiện ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương và xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, có nguyện vọng ứng cử thì nộp hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh); tại Ủy ban bầu cử cấp huyện (nếu tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện); tại Ủy ban bầu cử ở cấp xã (nếu tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã).

Câu 93: Những người nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân?

Trả lời:

Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gồm có:

- Người chưa đủ 21 tuổi.

- Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

- Người đang bị khởi tố bị can.

- Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.

- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.

- Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Câu 94: Một người có thể đồng thời ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được không?

Trả lời:

Công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân tối đa ở hai cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân ở một cấp. Như vậy, một người đủ điều kiện ứng cử có thể đồng thời nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân một cấp nữa.

Câu 95: Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm những gì?

Trả lời:

Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm có:

- Đơn ứng cử;

- Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;

- Tiểu sử tóm tắt;

- Ba ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm;

- Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Mẫu các văn bản, giấy tờ nói trên được thực hiện theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Câu 96: Thời hạn nộp hồ sơ ứng cử là khi nào?

Trả lời:

Chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử, người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (cả với người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) phải nộp hồ sơ ứng cử.

Câu 97: Việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

1. Đối với hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội:

Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (mỗi người nộp 2 bộ hồ sơ).

Ủy ban bầu cử ở tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội.

Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người ứng cử, nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng bầu cử quốc gia chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ủy ban bầu cử ở tỉnh chuyển hồ sơ ứng cử của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để đưa vào danh sách hiệp thương.

2. Đối với hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân:

Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nộp một bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở đơn vị hành chính mà mình ứng cử. Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó.

Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì Ủy ban bầu cử chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người ứng cử đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để đưa vào danh sách hiệp thương.

Câu 98: Cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử?

Trả lời:

1. Về thẩm quyền lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội:

- Chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia biên bản hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.

- Chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh gửi đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương.

2. Về thẩm quyền lập danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân:

Chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phải gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp; Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phải gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.

Câu 99: Thời hạn gửi, lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử được quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Thời hạn gửi, lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội:

- Căn cứ vào danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội được Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu, Hội đồng bầu cử quốc gia gửi đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh danh sách và hồ sơ những người được giới thiệu về ứng cử tại địa phương.

- Hội đồng bầu cử quốc gia lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách do Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử ở tỉnh gửi đến chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử.

2. Thời hạn gửi, lập và công bố danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân:

Chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban bầu cử phải lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử.

Câu 100: Danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm những thông tin gì?

Trả lời:

Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quê quán, nơi thường trú, dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, chức vụ, nơi công tác của người ứng cử. Danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử được xếp theo vần chữ cái A, B, C...

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chỉ được ghi tên vào danh sách ứng cử ở một đơn vị bầu cử.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây