171 câu hỏi-đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đai biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Thứ hai - 04/04/2016 11:00 37 0
171 câu hỏi - đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (câu 51 đến câu 60)

Câu 51: Khu vực bỏ phiếu là gì? Việc xác định khu vực bỏ phiếu được tiến hành như thế nào?

Trả lời:

Khu vực bỏ phiếu là phạm vi địa lý hành chính có số dân nhất định, nơi trực tiếp tiến hành bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân chia thành các khu vực bỏ phiếu. Khu vực bỏ phiếu có phạm vi hành chính nhỏ hơn đơn vị bầu cử (trừ trường hợp đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có 01 khu vực bỏ phiếu). Khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Mỗi khu vực bỏ phiếu có từ 300 đến 4.000 cử tri. Ở miền núi, vùng cao, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa có đủ 300 cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu. Tại đơn vị vũ trang nhân dân; bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ 50 cử tri trở lên; cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trại tạm giam có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng.

Việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê chuẩn. Đối với những huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân huyện quyết định.

Câu 52: Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp gồm những tổ chức nào?

Trả lời:

Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp gồm có:

1. Hội đồng bầu cử quốc gia;

2. Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử).

3. Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử gồm: Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã (sau đây gọi chung là Ban bầu cử).

4. Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu.

Câu 53: Hội đồng bầu cử quốc gia do cơ quan nào thành lập? Thành phần, số lượng thành viên Hội đồng bầu cử được quy định như thế nào?

Trả lời:

Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập. Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 đã ban hành Nghị quyết số 105/2015/QH13 ngày 25-11-2015 về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Hội đồng bầu cử quốc gia có từ 15 đến 21 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội bầu, miễn nhiệm theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Câu 54: Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV được quy định như thế nào?

Trả lời:

Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn chung như chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử; chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử; quy định mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu thẻ cử tri, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu, các mẫu văn bản khác sử dụng trong công tác bầu cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia còn thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Ấn định và công bố số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.

2. Nhận và xem xét hồ sơ của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; nhận hồ sơ và danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi đến.

3. Gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thực hiện việc hiệp thương. Giới thiệu và gửi hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương, giới thiệu để về ứng cử tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử; xóa tên người ứng cử trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

5. Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban bầu cử; lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước.

6. Quyết định việc bầu cử thêm, bầu cử lại đại biểu Quốc hội hoặc hủy bỏ kết quả bầu cử và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

7. Xác nhận và công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước; xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội.

8. Trình Quốc hội khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu.

9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; chuyển giao hồ sơ, khiếu nại, tố cáo liên quan đến những người trúng cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban thường vụ Quốc hội.

10. Quản lý và phân bổ kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội.

Câu 55: Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được quy định như thế nào?

Trả lời:

Trong việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn chung đã nêu ở đoạn đầu của Câu 54, Hội đồng bầu cử quốc gia còn có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Hướng dẫn hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

3. Kiểm tra việc tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

4. Hủy bỏ kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Câu 56: Hội đồng bầu cử quốc gia trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 có cơ cấu như thế nào?

Trả lời:

Theo Nghị quyết số 105/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội khóa XIII về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia thì cơ cấu tổ chức của Hội đồng bầu cử quốc gia gồm 21 thành viên, cụ thể như sau:

1. Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia là ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội.

2. Các Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia là:

- Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội;

- Bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước;

- Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia:

- Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội;

- Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội;

- Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội;

- Ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng khóa XI;

- Ông Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng khóa XI;

- Ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

- Ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an;

- Bà Nguyễn Thị Nương, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

- Ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

- Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam;

- Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam;

- Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam;

- Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam;

- Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Hội đồng bầu cử quốc gia đã có Nghị quyết số 20, số 21 và số 22/NQ-HĐBCQG ngày 19-12-2015 thành lập ba Tiểu ban giúp Hội đồng bầu cử quốc gia thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong từng lĩnh vực, bao gồm:

- Tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền.

Đồng thời, căn cứ vào Nghị quyết số 1074/2015/UBTVQH13 ngày 11-12-2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia, Hội đồng bầu cử quốc gia đã thành lập Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia để giúp việc cho Hội đồng.

Câu 57: Nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức giúp Hội đồng bầu cử quốc gia được quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Giúp Hội đồng bầu cử quốc gia về công tác nhân sự, hồ sơ người ứng cử, danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội, lập danh sách đơn vị bầu cử, phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội ở trung ương về địa phương, xác nhận và công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội;

- Giúp Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn và xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong bầu cử theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia giao.

2. Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Giúp Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia giao.

3. Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Giúp Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử;

- Giúp Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia giao.

4. Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

- Phục vụ Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia và các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;

- Giúp Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia soạn thảo các văn bản thuộc thẩm quyền theo phân công;

- Tổ chức phục vụ các phiên họp, cuộc họp của Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia;

- Giúp Hội đồng bầu cử quốc gia đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện công tác bầu cử;

- Giúp Hội đồng bầu cử quốc gia quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia;

- Thực hiện công tác hành chính, văn thư liên quan đến hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia giao.

Câu 58: Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập khi nào? Thành phần, số lượng thành viên được quy định như thế nào?

Trả lời:

Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử ở tỉnh) để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ủy ban bầu cử ở tỉnh có từ 21 đến 31 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Danh sách Ủy ban bầu cử ở tỉnh phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Câu 59: Ủy ban bầu cử cấp huyện, cấp xã được thành lập khi nào? Thành phần, số lượng thành viên được quy định như thế nào?

Trả lời:

Chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử ở huyện), Ủy ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử ở xã) để tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã tương ứng.

Ủy ban bầu cử ở huyện có từ 11 đến 15 thành viên; Ủy ban bầu cử ở xã có từ 9 đến 11 thành viên. Thành viên Ủy ban bầu cử ở huyện, ở xã gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Danh sách Ủy ban bầu cử ở huyện, Ủy ban bầu cử ở xã phải được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp.

Câu 60: Ủy ban bầu cử ở tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn gì trong bầu cử đại biểu Quốc hội?

Trả lời:

Trong bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội ở các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử;

b) Chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương;

c) Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương;

d) Nhận và xem xét hồ sơ của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và hồ sơ của người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương; gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người được giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để tiến hành hiệp thương; gửi hồ sơ và danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia;

đ) Lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo đơn vị bầu cử và báo cáo để Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định;

e) Chỉ đạo, kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri;

g) Nhận tài liệu, phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và phân phối cho các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử;

h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử; khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội do Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử chuyển đến; khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội;

i) Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội của các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; lập biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương;

k) Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia;

l) Chuyển hồ sơ, biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng bầu cử quốc gia;

m) Tổ chức việc bầu cử thêm, bầu cử lại đại biểu Quốc hội theo quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây