40 năm truyền thống Thanh niên xung phong trong chiến tranh biên giới Tây Nam

Thứ hai - 25/09/2017 11:00 148 0
40 năm trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa kết thúc được 2 năm, nước nhà thống nhất chưa được bao lâu, nhân dân đang vui hưởng hoà bình, kinh tế - xã hội mới bước đầu khôi phục, đột nhiên bọn diệt chủng Pol Pot tràn sang biên giới tỉnh ta, tàn sát, đốt nhà, cướp của, hãm hiếp, bắn giết một cách man rợ, không còn tính người vào đêm 24 rạng sáng ngày 25.9.1977.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP Tây Ninh Trần Minh Châu (thứ 2 bên phải) và Cựu Tổng đội trưởng Tổng Đội TNXP biên giới Tây Nam Lâm Văn Chương (thứ 3 bên phải) gặp lại đồng đội cũ sau 40 năm.

Ngay sau đêm thảm khốc đó, được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, huy động cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh, tổ chức thành 2 đại đội dân công hoả tuyến đưa đến các địa phương bị Pol Pot thảm sát ở hai huyện Tân Biên, Bến Cầu tìm thi thể, mai táng đồng bào bị Pol Pot giết hại, đưa người bị thương về nơi điều trị, thu dọn lại nhà cửa bị chúng đốt phá, đưa đồng bào trở về nơi ở an toàn, ổn định cuộc sống sau đêm kinh hoàng ấy; đồng thời các đơn vị dân công hoả tuyến còn làm nhiệm vụ phục vụ chiến trường cho các đơn vị bộ đội chiến đấu, đẩy lùi bọn diệt chủng Pol Pot sang bên kia biên giới.

Đáp ứng yêu cầu phục vụ chiến trường trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, Tỉnh uỷ Tây Ninh giao nhiệm vụ cho Tỉnh đoàn tổ chức lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP), do Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập và trực tiếp quản lý, chỉ đạo, trước mắt, phục vụ chiến đấu trên chiến trường biên giới, khắc phục hậu quả do bọn diệt chủng Pol Pot gây ra, tổ chức sản xuất làm chỗ dựa cho nhân dân vùng biên giới, xây dựng, đào tạo con người mới cho xã hội về lâu dài.

Thế là tuổi trẻ Tây Ninh nô nức lên đường gia nhập TNXP, noi gương Đội TNXP 2311- Hoàng Lê Kha thời kháng chiến chống Mỹ, lấy 2 đại đội dân công hoả tuyến làm nòng cốt, lấy ngày 25.9.1977 làm ngày thành lập Tổng Đội TNXP Tây Ninh, do một đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn được giao nhiệm vụ làm Tổng đội trưởng.

Từ đó, đơn vị nhanh chóng phát triển, đầu năm 1978, căn cứ Tổng đội được di chuyển lên Trà Phí, nơi trước kia là đồn lính Mỹ, tiến hành xây dựng đơn vị, tiếp tục đón nhận đội viên TNXP từ các địa phương đưa lên.

Được sự giúp đỡ của đơn vị Công binh của LLVT tỉnh đến hỗ trợ rà phá bom mìn, toàn Tổng đội đã nỗ lực xây dựng doanh trại dù chỉ đơn sơ mái tranh, vách đất, do từng đại đội đến tận Tà Dơ, Lộc Ninh (huyện Dương Minh Châu), Sóc Lào, Bà Nhã (huyện Trảng Bàng), Thạnh Tây, Thạnh Bình (huyện Tân Biên) chặt tre, cắt tranh mang về làm nên bằng thủ công.

Sau hơn hai tháng gian nan, lán trại đã được xây dựng gọn gàng, ngăn nắp, bố trí hợp lý, khoa học, đủ chỗ ăn ở, sinh hoạt cho hàng ngàn người. Thời gian đó, đơn vị còn mạnh dạn đảm nhận những công trình đòi hỏi kỹ thuật cao do tỉnh giao.

Ít ai biết được rằng cầu máng Trà Phí, một hệ thống cầu kết hợp kênh nổi bằng bê-tông từ Trà Phí đến Lâm Vồ dài trên 1.000m là sản phẩm đầu tay của đơn vị TNXP Tây Ninh, được xây dựng với tinh thần “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, tất cả lực lượng từ lãnh đạo đơn vị đến cán bộ, đội viên đều ra công trường để hoàn thành đúng tiến độ được giao. Thành tích này được UBND tỉnh và ngành Thuỷ lợi lúc bấy giờ đánh giá rất cao.

Giữa năm 1978, Tổng đội phát triển lên tới 4 liên đội và 2 đại đội trực thuộc, với quân số khoảng 3.000 đội viên. Nhận thấy đơn vị đã đủ lực lượng để đảm nhận công việc quan trọng, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã điều động Tổng Đội TNXP Tây Ninh lên biên giới phía Bắc huyện Tân Biên khai hoang phục hoá và bảo vệ biên giới từ Kà Tum đến Vạc Sa, Suối Đục, Tống Lê Chân (các xã Tân Đông, Tân Hội, Tân Hà, Tân Hoà huyện Tân Châu ngày nay).

Đây là những nơi trước đó bị bọn Pol Pot tràn sang xâm lấn, có lúc bọn chúng đặt cả sở chỉ huy cấp sư đoàn nên mìn trái rất nhiều, dù quân Pol Pot đã bị bộ đội ta đánh đuổi đi hết nhưng vẫn chưa có người dân nào dám về, cỏ hoang mọc cao hơn đầu người, thỉnh thoảng quân Pol Pot vẫn lén lút mò sang quấy phá, nguy hiểm rình rập từng ngày.

Chấp hành sự chỉ đạo, điều động của UBND tỉnh, Tổng đội lại hành quân lên biên giới, vừa xây dựng căn cứ tiền phương, vừa đào công sự, giao thông hào chung quanh nơi đóng quân để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới. Lúc này, lực lượng TNXP là đơn vị bán quân sự, được trang bị súng đạn, được cung cấp máy cày, máy xới để cán bộ, đội viên an tâm thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, Tổng đội còn đưa hẳn một đại đội hơn 100 đội viên sang làm công nhân nông trường Nước Trong, để duy trì và phát triển sản xuất của nông trường trong những năm chiến tranh biên giới.

Sự hiện diện của TNXP trên tuyến đầu biên giới đã bảo vệ và khôi phục lại màu xanh trên vùng đất chết. Hàng trăm hecta được khai hoang phục hoá, bởi những đôi tay không chuyên sau khi rà phá bom mìn.

Bàn chân TNXP đã in dấu trên khắp các nẻo đường biên giới, ngày cũng như đêm, tay súng tay cày làm ra sản phẩm đóng góp cho tỉnh nhà hàng trăm tấn lúa, mì…

Có thể nói, dòng nước trong xanh từ đập Suối Đục tưới mát cánh đồng, cũng như những tấn đá vôi đầu tiên được phát hiện và khai thác tại Sóc Con Trăn đã phải đổi bằng máu trong thời gian TNXP xây dựng đập, khai thác đá. Từ phát hiện đầu tiên đó, khi Liên đoàn địa chất 6 do Giáo sư Tiến sĩ Trần Kim Thạch dẫn đầu đi nghiên cứu, khảo sát thực địa vỉa mỏ đá vôi ở vùng Bắc Tây Ninh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Tổng đội cử cán bộ hướng dẫn và phục vụ cho đoàn.

Kết quả, mỏ đá vôi Tống Lê Chân được xác định trữ lượng, làm căn cứ khoa học để xây dựng nhà máy xi măng Fico Tây Ninh ngày nay. Điều này khẳng định, Tổng Đội TNXP Tây Ninh không chỉ bảo vệ bình yên biên giới, mà còn góp phần lao động sản xuất, khơi nguồn khai thác tài nguyên của tỉnh nhà.

Một liên đội được giao nhiệm vụ đứng chân lâu dài trên biên giới, vừa sản xuất vừa góp phần sẵn sàng phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới tại Kà Tum. Một liên đội được điều động về Bến Cầu, xây dựng hệ thống thuỷ lợi Tây Bến Cầu tại xã Long Thuận.

Một liên đội được điều động xuống Bời Lời xây dựng nông trường trồng cây công nghiệp… Và trong những năm cực kỳ khó khăn, thiếu thốn (1978, 1979), theo sự điều động của tỉnh, Tổng đội tập trung 2 Liên đội tham gia sản xuất tự túc trên cánh đồng trồng bắp tập trung từ Tua Hai (Châu Thành) đổ dài lên tới Mỏ Công (Tân Biên).

40 năm trôi qua, tưởng như mới hôm nào, Tổng Đội TNXP thực hiện nhiệm vụ phục vụ trên tuyến biên giới Tây Nam trong một thời gian không dài, chỉ khoảng ba năm 1977-1979, nhưng hiệu quả mang lại vô cùng to lớn.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, lực lượng TNXP Tây Ninh chuyển sang thực hiện nhiệm vụ thời bình, đổi tên thành Tổng Đội TNXP Xây dựng kinh tế, bắt đầu từ công trường Thanh niên Cộng sản hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng, sang các nông trường cao su trên đất Tân Châu và hiện nay là Công ty TNHH-MTV Thanh niên xung phong Tây Ninh.

Còn các cán bộ, đội viên TNXP biên giới năm xưa, nay là hội viên Hội cựu TNXP Tây Ninh, làm nhiệm vụ nhân chứng lịch sử giúp Nhà nước thực hiện chính sách đối với người có công, và đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong nghĩa tình đồng đội.    

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
EMC Đã kết nối EMC