Trong 4 năm thực hiện Chương trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã phối hợp với ngành nông nghiệp định hướng cho nông dân kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, các mô hình kinh tế phù hợp với đặc thù của địa phương, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả. Cụ thể như: Mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa bền vững theo hướng VietGAP quy mô 300 ha, mô hình hợp tác sản xuất lúa giống cộng đồng quy mô ổn định 10 ha, các mô hình này tạo thu nhập tăng thêm khoảng 3,5 triệu đồng/ ha so với ngoài mô hình, mang lại lợi nhuận tăng thêm 2 tỷ đồng mỗi năm, tổng lợi nhuận sản xuất hàng năm đạt khoảng 15 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất đã được xã tiếp nhận và chuyển giao cho nông dân bao gồm các dự án như: nuôi heo, gà, vịt thịt theo hướng an toàn sinh học , nuôi thâm canh cá tra, nuôi ba ba trong ao và trồng nấm, nuôi lươn sạch, dự án áp dụng mô hình "3 giảm 3 tăng" quy mô 20/20 hộ, xây dựng 7 công trình khí sinh học, hỗ trợ 11 trục sạ hàng, 16 bình xịt thuốc. Tổ chức 41 cuộc hội thảo về phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, cây ăn trái, kỹ thuật sản xuất lúa theo quy trình "3 giảm 3 tăng", kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt thủy sản cho trên 1.500 lượt nông dân, qua đó giúp bà con nông dân xây dựng được các mô hình chăn nuôi, sản xuất hiệu quả, các mô hình này đã giải quyết được hơn 350 lao động tại chỗ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.
Mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học
Cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn từng bước phát triển, năm 2011 có 72 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đến nay có 111 cơ sở, tăng 39 cơ sở với quy mô ngày càng được mở rộng, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động nông thôn.
Ngoài ra trên địa bàn xã còn có các mô hình như: Hội Nông dân với phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Hội Phụ nữ với mô hình phụ nữ tiết kiệm, tăng gia sản xuất và góp vốn xoay vòng, các tổ chức đoàn thể còn liên kết với ngân hàng thực hiện 6 chương trình vay vốn ưu đãi cho nông dân. Mặt Trận tổ quốc và Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ thực hiện dự án cho mượn vốn chăn nuôi với kinh phí 500 triệu đồng. Bên cạnh đó xã còn vận động các tổ chức từ thiện hỗ trợ 6 con bò sinh sản cho đối tượng là hộ nghèo, tạo điều kiện thoát ghèo, vươn lên thành hộ khá cho bà con.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã, quá trình triển khai các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, làm thay đổi cách nghĩ, tập quán canh tác còn lạc hậu của bà con nông dân, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất làm gia tăng số lương,chất lượng sản phẩm góp phần cải thiện đời sống cho bà con.
Theo kết quả thống kế của Chi cục Thống kế huyện Gò Dầu, thu nhập bình quân theo đầu người trên địa bàn xã năm 2013 là 17,833 triệu đồng/người/năm đến cuối năm 2014 thì thu nhập đã đạt mức 30 triệu đồng/người/năm so với Tiêu chí số 10 về thu nhập là đạt.
Việc đạt tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới bước đầu đã tạo được sự phấn khởi cho người dân trên địa bàn xã, giúp người dân dần thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả, năng suất hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung. Việc tiếp tục định hướng và hỗ trợ thị trường bao tiêu sản phẩm cho nông dân là vấn đề đang được xã quan tâm và coi đây là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân một cách ổn định, bền vững và là mục tiêu Đảng và chính quyền xã Phước Trạch đang hướng tới.
Cát Tường