Có đến 90% trẻ em mắc bệnh trong giai đoạn 1-10 tuổi. Bệnh biểu hiện qua các ban sần - mụn nước gây khó chịu và ngứa toàn thân, kèm theo sốt.
Thủy đậu là bệnh lành tính, đa số trẻ đến khám được cho về điều trị tại nhà. Bệnh hay gặp ở trẻ 1-10 tuổi. Có một tỷ lệ nhỏ phải nhập viện vì biến chứng hoặc ban mọc quá nhiều.
Người dân chú ý phòng bệnh thủy đậu vì trong thời gian này bệnh đang tăng cao. Trong đó, biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất là giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay; hạn chế tới những nơi công cộng tập trung đông người, đặc biệt với những người có nguy cơ dễ nhiễm bệnh như trẻ em, người già, người mắc các bệnh mãn tính.
Đối với những người mắc bệnh phải được cách ly điều trị, chỉ đi học, đi làm trở lại khi bệnh hoàn toàn khỏi, tránh lây lan cho người khác. Người chăm sóc với người bệnh cần vệ sinh, rửa tay thật sạch trước và sau khi chăm sóc người bệnh, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.
Khi trẻ bị bệnh cha mẹ cần đưa đi khám để được tư vấn cách chăm sóc, tăng cường vệ sinh răng miệng da, tránh các biến chứng.
Chú ý cho trẻ ăn uống đầy đủ chất để nâng cao sức đề kháng. Tốt nhất là cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi hẳn để tránh lây lan. Cha mẹ khi chăm sóc trẻ cũng cần chú ý để tránh không bị lây bệnh. Những đồ dùng như quần áo, khăn mặt của người bệnh cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng, hay là ủi.
Với các nốt thủy đậu khi vỡ thì nên chấm các thuốc sát trùng như xanh methylen, làm se nốt và ngừa bội nhiễm vi khuẩn, sát trùng khô nhanh. Nốt nào chưa vỡ thì không nên bôi vì không có tác dụng gì. Bên cạnh đó, nên tắm cho con bằng nước ấm, chú ý không tắm lâu như khi trẻ khỏe mạnh. Tránh gãi vì gãi làm nốt thuỷ đâu bị vỡ, có thể gây bội nhiễm vi khuẩn.
Với trẻ nhỏ nên mang bao tay xoa bột talc hoặc phấn rôm vô khuẩn khắp người để đỡ ngứa. Đồng thời chú ý giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng, súc miệng bằng nước sát trùng. Ban có thể mọc trong miệng vỡ ra, gây bội nhiễm làm trẻ không ăn được. Khi đó nên tư vấn bác sĩ để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ chống lại bệnh tật.
Để phòng bệnh cho trẻ bằng tăng cường vấn đề vệ sinh, ăn uống, đường hô hấp, da. Quan trọng là cần đưa trẻ đi tiêm phòng khi được 12 tháng tuổi. Trẻ đã bị thủy đậu thì không cần tiêm phòng nữa.
Bs CK II Trần Thung (Trung tâm TT-GDSK Tây Ninh)