Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, hiện trên lưu vực sông Vàm Cỏ Đông và Sông Sài Gòn (địa phận tỉnh Tây Ninh) có 108 cơ sở sản xuất, chế biến mía, bột mì (sắn) và mủ cao su, mỗi ngày thải ra môi trường sông suối một lượng chất thải, nước thải rất lớn.
Ngoài ra, nguồn nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư cũng được đổ thẳng ra sông suối chưa qua xử lý cũng góp phần làm ô nhiễm nguồn nước trên các dòng sông này.
Do chất lượng nguồn nước càng ngày bị giảm sút, nên lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông gần đây phát triển dày đặc, cá chết liên tục, khiến người dân bức xúc; riêng nguồn nước sông Sài Gòn, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho gần 10 triệu dân Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Biên Hòa thông qua các Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy nước Tân Hiệp và Nhà máy nước Bình An cũng bị đe dọa nghiêm trọng do chất lượng nguồn nước không bảo đảm.
Nhằm từng bước cải thiện chất lượng nguồn nước trên lưu vực đầu nguồn sông Đồng Nai, bảo đảm mục đích phục vụ nước sinh hoạt theo nội dung Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 3/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020," từ năm 2011 đến nay, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh đã tăng cường kiểm tra, giám sát hơn 2.176 lượt cơ sở sản xuất trên lưu vực đầu nguồn sông suối và vùng phụ cận; đã xử phạt 199 cơ sở với số tiền 10,5 tỷ đồng và tạm đình chỉ 18 cơ sở để khắc phục ô nhiễm môi trường.
Riêng các cơ sở hoạt động trên lưu vực sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn, tỉnh quy định đến cuối năm 2013 phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn loại A mới được thải ra môi trường; đồng thời kiên quyết đóng cửa các cơ sở cố tình chây ì, không thực hiện những cam kết về bảo vệ môi trường./.
Theo vietnamplus.vn