Bảo vệ môi trường: Cần tăng cường nhận thức không chỉ cho người dân, mà cho cả cán bộ cơ sở

Thứ năm - 08/08/2013 00:00 57 0
Không chỉ cần tăng cường công tác tuyên truyền mà cần phải có biện pháp xử nghiêm tình trạng gây ô nhiễm môi trường hiện đang diễn ra với chiều hướng ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Toàn cảnh hội nghị

Hầu hết các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình liên tịch giữa Sở Tài nguyên – Môi trường với các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh từ năm 2006 – 2012 tổ chức sáng 7.8 đều có cùng quan điểm trên khi thảo luận về việc xây dựng kế hoạch ký kết liên tịch giai đoạn 2013 – 2015.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết, trong giai đoạn 2006 – 2012, các tổ chức chính trị - xã hội như Tỉnh đoàn, Hội LHPN, Hội CCB, Liên minh HTX, Uỷ ban MTTQ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức phong phú, sâu rộng, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cộng đồng. Đông đảo đoàn viên, hội viên của các đơn vị ký kết liên tịch cùng với ngành TN-MT tham gia, hoặc trực tiếp tổ chức việc trồng hàng ngàn cây xanh; dọn dẹp vệ sinh, rác thải trên các tuyến đường giao thông, khai thông cống rãnh, kênh mương… Đặc biệt là khi môi trường trở thành 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các mô hình khu dân cư tự quản về môi trường, câu lạc bộ bảo vệ môi trường… được nhân rộng.

Rác ở nông thôn

 

Tuy nhiên, tại Hội nghị, các đại biểu cũng thừa nhận rằng, vẫn chưa có một mô hình nào thật sự mang tính đột phá, tác động mạnh mẽ đến ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Các đại biểu nhấn mạnh, có lúc, có nơi, người dân phải buộc phải sống chung với ô nhiễm, thậm chí phải thoả hiệp với ô nhiễm bằng cách chấp nhận bán đất lại cho nhà máy, cơ sở sản xuất thường xuyên xả thải để đi nơi khác sinh sống. Khi doanh nghiệp xả thải ra sông Vàm Cỏ, cá chết hàng loạt, ngành chức năng lại khá chậm chân trong việc xuống ngay cơ sở. Đến khi xuống, thì “hiện trường đã bị xoá”, không thể lấy mẫu nước để kiểm nghiệm, xác định “hung thủ”.

Có đại biểu khá thẳng thắn khi cho rằng, ngay cả cán bộ công chức ở cơ sở vẫn chưa nhận thức một cách đầy đủ về việc bảo vệ môi trường, khi đánh giá kết quả thực hiện Chương trình liên tịch giữa Sở Tài nguyên – Môi trường với các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh trong thời gian qua, cần phải nói rõ những mặt chưa làm được, những yếu kém, hạn chế để rút kinh nghiệm. Mặt khác, ngành TN-MT cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng tìm ra giải pháp xử lý nghiêm tình trạng xả rác bừa bãi. “Chúng ta quăng rác ra đó, đến khi anh em bộ đội về địa phương, lẽ ra phải để họ giúp dân làm những công trình thiết thực với đời sống nhân dân. Đằng này, họ phải đi dọn rác cho chúng ta, đó là điều bất hợp lý!” – ông bức xúc.

Giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị

 

Hầu hết các đại biểu đều tán thành, cần phải tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ - công chức cơ sở; thiết lập đường dây nóng, khuyến khích người tố giác các cơ sở, doanh nghiệp có hành vi xả thải chưa qua xử lý ra môi trường; ngành TN-MT cần tham mưu với UBND tỉnh khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ môi trường…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Văn Chiến – Giám đốc Sở TN-MT ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ông cho biết thêm, trong thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường. Ông Chiến cũng mong rằng, các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục phối hợp với ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền – vận động, tác động mạnh mẽ đến ý thức của người dân, cộng đồng, nhằm bảo vệ môi trường trước những hiểm hoạ ô nhiễm.

Kết thúc Hội nghị, ông Trần Văn Chiến – Giám đốc Sở TN-MT đã cùng với các đơn vị ký kết Chương trình liên tịch với các tổ chức chính trị xã hội giai đoạn 2013 – 2015.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây