Hiện nay, dân số gia tăng một cách nhanh chóng kéo theo nhu cầu sử dụng nước uống, nước sinh hoạt và các hoạt động gây ảnh hưởng đến nguồn nước cũng gia tăng. Trong quá trình sinh hoạt, nhiều hoạt động của con người đã gây ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, ở các khu vực đô thị tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng bởi lượng rác thải, nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư xả vào kênh rạch chưa qua xử lý. Tình trạng lấn chiếm bờ sông, kênh rạch để sinh sống, xả rác và chất thải trực tiếp đã gây ô nhiễm nước mặt, cản trở lưu thông dòng chảy, tắc nghẽn cống rãnh, làm môi trường không khí bị ô nhiễm do quá trình phân hủy các chất hữu cơ tạo ra mùi hôi thối, gây bệnh tật, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra việc chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các hộ gia đình khu vực nông thôn phần lớn chưa có hệ thống xử lý nước thải đúng theo yêu cầu, đa phần lượng nước thải được cho vào các ao, hồ, bể tự hoại và dần thấm sâu vào đất dễ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là mạch nước ngầm. Tình trạng sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ cũng góp phần gia tăng ô nhiễm nguồn nước.
Việc xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp với quy mô lớn làm hao tốn lượng nước sạch và làm gia tăng lượng nước thải ra môi trường.
Tài nguyên nước là thành phần chủ yếu của môi trường sống, quyết định đến sự thành công trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên hiện nay nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm và quan trọng này đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt. Nguy cơ thiếu nước, đặc biệt là nước ngọt và nước sạch. Sự thiếu hụt nguồn nước là một hiểm họa lớn đối với sự tồn vong của con người cũng như toàn bộ sự sống trên trái đất. Do đó, chúng ta cần có các giải pháp cụ thể, nhanh chóng và kịp thời để bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên quý giá này.
Trước hết, các ngành, địa phương không ngừng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giúp mọi người nhận thức đúng, đầy đủ tầm quan trọng của nước sạch đối với cuộc sống. Đồng thời có ý thức đối với hành động, việc làm của mình để không gây thêm sự suy thoái,cạn kiệt nguồn nước sạch quý giá mà chúng ta đang sử dụng mỗi ngày.
Nâng cao ý thức cộng đồng để giữ sạch nguồn nước bằng cách không vứt rác bừa bãi, xây dựng các công trình vệ sinh hợp chuẩn, không thải trực tiếp ra môi trường, không dùng phân tươi làm phân bón, sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn. Cần hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước.
Tránh sử dụng lãng phí nước trong sinh hoạt, thường xuyên bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát.
Ứng dụng tốt các giải pháp để xây dựng các loại cầu tiêu hợp vệ sinh như: (tự hoại, bán tự hoại, ngăn, thấm dội nước).
Thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt và các chất thải khác từ các hộ gia đình, khu dân cư, nơi công cộng, đồng thời phân loại, tái chế sử dụng vào các mục đích khác và có biện pháp xử lý phù hợp.
Xử lý triệt để nước thải từ các nhà máy, khu, cụm công nghiệp, bệnh viện và các cơ sở y tế,…theo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Tăng cường việc kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước để bảo đảm chất lượng nguồn nước, bảo vệ các lưu vực sông, khai thác hiệu quả nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Việc cung cấp nước sạch và đầy đủ là một trong những điều kiện cơ bản để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của con người và các loài động thực vật. Nếu nguồn tài nguyên này được sử dụng hợp lý sẽ trở thành một lợi thế trước mắt cũng như lâu dài cho sự phát triển, vừa đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế mà không ảnh hưởng đến môi trường. Bảo đảm nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường sẽ góp phần giảm được bệnh tật. Bảo vệ môi trường sống để phát triển bền vững phải luôn được thực hiện bằng việc bảo đảm nguồn nước sạch và làm tốt công tác bảo vệ môi trường ở mỗi quốc gia.
Cát Tường