Các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh

Thứ ba - 17/04/2018 11:00 189 0

Năm 2017, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và hòa giải ở cơ sở đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân; công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh từng bước chuyển biến tích cực, các tổ hòa giải được kiện toàn, chất lượng và số lượng hòa giải viên có trình độ chuyên môn ngày càng nhiều, số vụ việc hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước, hạn chế được rất nhiều vụ việc tranh chấp khiếu kiện. Tuy nhiên cũng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Tài liệu tuyên truyền pháp luật phát hành chưa đáp ứng đủ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân; việc xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có nơi chưa đảm bảo tiến độ thực hiện theo quy định, một số địa phương bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở chưa đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật,...Để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc đó, ngày 12 tháng 4 năm 2018 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn số 850/UBND-NC về việc các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh trong đó  đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện một số việc như sau:

Xác định rõ PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng để chủ động, tích cực tổ chức tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ và quần chúng nhân dân.

Tăng cường biên soạn, cấp phát tài liệu tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng biên giới và các đối tượng đặc thù.

Hạn chế việc tổ chức Hội nghị vào những tháng cuối năm vì đây là thời điểm địa phương phải tập trung thực hiện việc tổng kết các mặt công tác năm (Trừ trường hợp cần kịp thời triển khai, giới thiệu các văn bản pháp luật mới có hiệu lực trong năm tiếp theo hoặc theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị).

Các ngành được giao nhiệm vụ phối hợp với ngành Tư pháp trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân tự chấm điểm và đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tăng cường tinh thần trách nhiệm, phối hợp tích cực với ngành Tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ được giao đảm bảo việc tự chấm điểm và đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đúng quy trình và thời gian quy định.

Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn việc xã hội hóa về kinh phí cho công tác PBGDPL; Đối với việc việc xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như là sửa đổi Điểm a Khoản 1 Điều 10 Quyết định số 2540/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo hướng đối với tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (tiêu chí 18.5) sử dụng kết quả đánh giá của UBND cấp huyện để xét, đánh giá chuẩn nông thôn mới cho phù hợp với Khoản 3 Điều 6 Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Điều 6 Thông tư số 07/2017/TT-BTP của Bộ Tư pháp; Sửa đổi Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 07/2017/TT-BTP của Bộ Tư pháp theo hướng giảm số lượng đối tượng tham gia đánh giá sự hài lòng hằng năm của mỗi đơn vị cấp xã.

Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp kinh phí cho cấp xã đảm bảo cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương theo đúng quy định của Trung ương và địa phương về mức chi cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong quá trình triển khai, thực hiện, nếu gặp khó khăn phải kịp thời báo cáo ngay về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) và Sở Tài chính để hướng dẫn tháo gỡ.

ĐV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây