Các nguyên tắc phòng, chống mua bán người

Thứ hai - 27/10/2014 00:00 70 0
Ngày 29/3/2011, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người, trong đó tại Điều 4 của Luật đã quy định một số nguyên tắc cơ bản phòng, chống mua bán người với các nội dung sau:

 

 

Nguyên tắc thứ nhất là thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người: Thực tiễn đấu tranh phòng, chống mua bán người cho thấy, việc phát hiện, truy bắt, xử lý kẻ mua bán người chỉ giải quyết được phần ngọn chứ chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề - nguyên nhân, điều kiện của tình trạng mua bán người. Vì vậy, cuộc đấu tranh này chỉ thực sự có hiệu quả khi chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa (cả phòng ngừa chung lẫn phòng ngừa riêng) với sự tham gia của toàn thể xã hội, từ những cá nhân, gia đình tới các cơ quan, tổ chức để góp phần giải quyết cơ bản căn nguyên của hoạt động mua bán người. Tuy nhiên, chỉ thực hiện tốt công tác phòng ngừa mà không quan tâm đúng mức tới công tác phát hiện, xử lý các hành vi mua bán người cũng như những hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người thì việc đấu tranh phòng, chống mua bán người cũng không có hiệu quả. Do đó, sự kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và đấu tranh xử lý những hành vi mua bán người và những hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực này phải được xem là nguyên tắc đầu tiên, quan trọng nhất trong đấu tranh phòng, chống mua bán người.

Nguyên tắc thứ hai là giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân kịp thời, chính xác. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không bị kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân: Nguyên tắc này được xuất phát từ những hậu quả mà hoạt động mua bán người để lại cho các nạn nhân. Thực tiễn đã chứng minh, hoạt động mua bán người đã gây ra những đau khổ, dằn vặt cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ không chỉ cần chỗ ở tạm thời, cần sự giúp đỡ về tài chính, học nghề, tìm kiếm việc làm… mà còn cần được từng cá nhân cũng như toàn xã hội tôn trọng họ, đảm bảo cho họ được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp như mọi người dân khác mà không có bất kỳ sự phân biệt, đối xử nào. Việc quy định những nội dung trên thành một nguyên tắc sẽ phần nào giúp nạn nhân giảm được những đau khổ về tinh thần và thể xác mà họ đã và đang phải gánh chịu.

Nguyên tắc thứ ba là Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người: Để đấu tranh phòng, chống mua bán người một cách hiệu quả thì trước hết cần phải dựa vào ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình đối với chính bản thân mình cũng như đối với sự an toàn của cả cộng đồng xã hội. Vai trò thứ hai không kém phần quan trọng trong việc đấu tranh phòng, chống mua bán người đó là trách nhiệm của cả cộng đồng, các cơ quan, tổ chức. Rõ ràng, hiệu quả của hoạt động phòng, chống mua bán người không chỉ phụ thuộc vào những nỗ lực của Nhà nước mà còn phụ thuộc đáng kể vào sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Do vậy, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức cũng như của cả cộng đồng xã hội  tham gia phòng, chống mua bán người cần được xem là một nguyên tắc chủ đạo để đạt được hiệu quả cao trong công cuộc đấu tranh phòng, chống mua bán người.

Nguyên tắc thứ tư là mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người đều phải được ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời và chính xác: Đây là nguyên tắc nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cũng như đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Với những hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì việc điều tra, xử lý được tiến hành theo Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Với những hành vi vi phạm chưa tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể áp dụng các biện pháp xử lý khác như xử lý hành chính, xử lý kỷ luật... Đây được xem là nguyên tắc bao trùm, xuyên suốt trong quá trình đấu tranh phòng, chống mua bán người.

Nguyên tắc thứ năm là tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống mua bán người phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế: Ngày nay, trong điều kiện hội nhập quốc tế, mua bán người đã trở thành một hoạt động mang tính có tổ chức xuyên quốc gia. Việc đấu tranh phòng, chống mua bán người chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế và của từng quốc gia. Do vậy, việc tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống mua bán người là hết sức quan trọng, cần được đặt ra như là một trong những nguyên tắc định hướng, chỉ đạo hoạt động phòng, chống mua bán người ở nước ta.

                                                                                                                     HXL

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây