Cần đầu tư thêm hệ thống tiêu thoát nước cho nông nghiệp

Thứ ba - 17/10/2017 11:00 99 0
Thời gian qua, tình trạng ngập úng đã xảy ra khá nghiêm trọng tại một số cánh đồng ở tỉnh. Đồng ruộng bị ngập do thiếu kênh tiêu thoát nước, gây thiệt hại cho nông dân. Có cánh đồng bị ngập nặng nhiều năm nhưng chính quyền không có giải pháp xử hiệu quả, dẫn đến tình trạng người dân bỏ ruộng hoang.

Cần đầu tư thêm hệ thống tiêu thoát nước cho nông nghiệp

Người dân canh tác lúa tại Bàu Thâm Vô bơm nước cứu lúa.

Hệ thống công trình thuỷ lợi Tây Ninh hiện đang phục vụ tốt cho ngành nông nghiệp của tỉnh và đời sống của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, do hệ thống công trình được xây dựng đã lâu và chưa được đầu tư đúng mức nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp trong tình hình mới.

Thời gian qua, tình trạng ngập úng đã xảy ra khá nghiêm trọng tại một số cánh đồng ở tỉnh. Đồng ruộng bị ngập do thiếu kênh tiêu thoát nước, gây thiệt hại cho nông dân. Có cánh đồng bị ngập nặng nhiều năm nhưng chính quyền không có giải pháp xử hiệu quả, dẫn đến tình trạng người dân bỏ ruộng hoang.

Đơn cử như cánh đồng Bàu Thâm Vô (ấp 2, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu), có diện tích khoảng 80 ha. Hai năm gần đây, cứ vào mùa mưa là cánh đồng bị ngập úng cục bộ, gây hư hỏng lúa, hoa màu của người dân. Người dân đã nhiều lần kiến nghị ngành chức năng có giải pháp cứu cánh đồng này nhưng chưa được giải quyết.

Nông dân địa phương cho hay, trước đây cánh đồng này mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân. Ngoài lúa, người dân còn trồng mì, đậu, bắp. 2 năm trở lại đây, phần lớn diện tích của cánh đồng bị ngập cục bộ do không có đường thoát nước, nước ngập sâu, nông dân phải bơm nước để cứu lúa. Tuy nhiên, đa số diện tích được cứu chỉ đạt năng suất 40% - 50% so với trước và giá bán rất thấp, khiến người trồng lúa lỗ nặng. Trước tình trạng này, nhiều hộ đang có ý định chuyển sang trồng sen.

Theo một lãnh đạo chính quyền xã Bàu Đồn, trước việc cánh đồng Bàu Thâm Vô bị ngập, huyện Gò Dầu và xã đã khảo sát, tìm ra nguyên nhân là vì 1 hộ dân bịt kín kênh tiêu thoát nước do có tranh chấp liên quan đến đất kênh tiêu. Chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, giải quyết nhưng vẫn chưa xong.

Trong khi đó, tại cánh đồng Miễu Xe Lam (ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu), mùa mưa hàng năm đều bị ngập úng cục bộ. Lãnh đạo UBND xã Bàu Năng cho biết, cánh đồng có diện tích hơn 100 ha, dù có kênh tiêu nhưng không thoát hết nước cho cả cánh đồng rộng lớn; đồng thời nước mưa từ khu vực núi Bà Đen đổ về đây đã gây ngập cục bộ.

Nhiều năm qua, nông dân canh tác tại cánh đồng này thường xuyên bị mất mùa. Người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền có giải pháp tiêu thoát nước, giúp nông dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả. 

Theo ngành Thuỷ lợi tỉnh, hệ thống kênh tiêu chưa được đầu tư tương xứng với hệ thống tưới. Hầu hết các kênh tiêu không được nạo vét, tu bổ. Mạng lưới tiêu nước nội đồng còn thiếu nhiều nên còn gây ngập úng cục bộ. Việc phân cấp quản lý hệ thống kênh tiêu chưa được cụ thể, rõ ràng. Một số kênh tiêu bị người dân lấn chiếm gây ảnh hưởng đến việc thoát nước.

Một cán bộ ngành Thuỷ lợi cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của công trình thuỷ lợi là phục vụ cho phát triển nông nghiệp và thuỷ sản, trong đó có cấp nước cho tưới cây trồng, chăn nuôi, thuỷ sản. Vì vậy, mục tiêu của quy hoạch tưới là huy động được các tiềm lực có thể của địa phương, để khai thác tối đa nguồn nước phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản, bảo đảm sản xuất ổn định và bền vững.

 Mặt khác, trước thực tế đang diễn ra, ngành Thuỷ lợi cũng đã chú trọng quy hoạch tiêu nước và phòng chống lũ. Theo đó, đối với những nơi đang có hệ thống tiêu nước thì tiếp tục hoàn chỉnh, mở rộng, bảo đảm tiêu thoát nước theo thiết kế, không để xảy ra ngập lụt, bảo đảm sản xuất ổn định. Những nơi chưa có hệ thống kênh tiêu phải sớm tiến hành đầu tư.

Được biết, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng xong quy hoạch thuỷ lợi của tỉnh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có quy hoạch hệ thống tiêu nước, sau khi được chính thức thông qua và triển khai sẽ phục vụ hiệu quả cho ngành nông nghiệp.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây