Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Tây Ninh trong thời kỳ hội nhập

Thứ hai - 16/10/2017 17:00 115 0
Kết quả và những giải pháp trọng tâm cần tiếp tục thực hiện góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong thời kỳ hội nhập trên địa bàn tỉnh.

Phụ nữ Tây Ninh chiếm 50,52% dân số và 50,44% lực lượng lao động. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách , tạo cơ hội để phụ nữ được học tập, nâng cao trình độ, năng lực, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Với sự tham gia ngày càng nhiều vào các vị trí trong hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, phụ nữ Tây Ninh đã góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo, triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ địa phương, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tây Ninh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung vào những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy truyền thống và vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình và tham gia phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về những vấn đề liên quan mật thiết đến phụ nữ, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức về giới; thành lập các mô hình, câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”... giúp chị em phát huy tính tự trọng, tự chủ, làm tốt vai trò chăm lo vun đắp hạnh phúc gia đình và quan tâm đến cộng đồng, xã hội.
Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được các cấp Hội và phụ nữ trong tỉnh tích cực hưởng ứng. Trong 5 năm qua, có 189.329 cán bộ, hội viên, phụ nữ đăng ký thực hiện phong trào; có 155.249 cán bộ, hội viên, phụ nữ đạt danh hiệu “Phụ nữ tiên tiến”, chiếm tỷ lệ 82%, trong đó có 20.917 cán bộ, hội viên phụ nữ  đạt danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc”.
Chiếm 50,44% lực lượng lao động, phụ nữ Tây Ninh hăng hái lao động, sản xuất, kinh doanh, tham gia phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Chị em tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa ngành nghề và hoạt động tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất để tăng giá trị sản phẩm, tham gia bảo vệ môi trường, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; trên 50 ngàn phụ nữ được vay vốn sản xuất, mua bán; giới thiệu việc làm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cho trên 42 ngàn lao động nữ; dạy nghề cho gần 16 ngàn lao động nữ và sau học nghề có việc làm gần 11 ngàn lao động; giúp trên 40 ngàn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ phát triển kinh tế, trong đó có trên 14 ngàn hộ thoát nghèo.
Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng nhận thức đầy đủ và tích cực, chủ động thực hiện quyền công dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nhờ triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp nên công tác cán bộ nữ đã có bước chuyển biến tích cực. So với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đều tăng về số lượng và chất lượng, cụ thể nhiệm kỳ 2015-2020 tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh 15,69% (tăng 2,96%); cấp huyện 16,58% (tăng 1,99%); cấp cơ sở 25,23% (tăng 1,84%); tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 cấp tỉnh 28,85% (tăng 1,40%); cấp huyện 26,89% (tăng 1,81%); cấp cơ sở 26,12% (tăng 3,49%). 100% cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở đều được bồi dưỡng về kỹ năng, phương pháp làm việc; cơ bản đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị.
Chiếm 74% trên tổng số giáo viên toàn tỉnh, đội ngũ giáo viên nữ luôn năng động, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, thi đua dạy tốt, học tốt, phấn đấu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục của tỉnh nhà. Đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là đội ngũ cán bộ nữ ngành y tế, nhiều chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua, thầy thuốc ưu tú. Phụ nữ còn là lực lượng tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; hành năm, cung cấp trên 100 tin có giá trị, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội, tham gia quản lý giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội; tích cực vận động con em lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự ở địa phương góp phần thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, sự tác động bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường, định kiến giới, sự gia tăng của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội... vẫn đang là những rào cản, thách thức lớn mà các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh đang phải đối mặt. Đời sống của một bộ phận nhân dân, trong đó có phụ nữ, nhất là vùng sâu, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật còn nhiều khó khăn; đạo đức gia đình có dấu hiệu xuống cấp; trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, năng suất lao động nữ còn thấp dẫn đến khả năng cạnh tranh, cơ hội tiếp cận việc làm còn nhiều khó khăn. Phụ nữ tỉnh nhà đang còn chịu nhiều áp lực bởi khuôn mẫu, vai trò giới truyền thống, phụ nữ được trông đợi như một nhân lực chính để duy trì gia đình và chăm sóc con cái hơn là tham gia các hoạt động xã hội. Chính những điều này đã phần nào hạn chế sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực và tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo.
Trong thời gian tới, vấn đề bình đẳng giới và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ tiếp tục là mối quan tâm của toàn xã hội và cần có nhóm giải giáp cụ thể.
Nhóm giải pháp về chủ trương, đường lối, chính sách: Khuôn khổ pháp lý hiện hành của nước ta về vấn đề giới, bình đẳng giới, cần xây dựng một hệ thống hoàn thiện các chủ trương, đường lối, chính sách để bảo đảm bình đẳng giới, chú trọng đến các chủ trương, chính sách về tạo nguồn nữ cán bộ; quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí công việc phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ nữ thể hiện hết năng lực, sở trường.
Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức của gia đình, xã hội và hệ thống chính trị đối với công tác cán bộ nữ: Phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao trình độ nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận vai trò, vị thế người phụ nữ. Đặc biệt là phải làm sao cho nhận thức đó chuyển hóa thành hành vi, thái độ ứng xử bình đẳng với phụ nữ. Các cấp Hội cần phải đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để mọi người nhận thấy rằng, vị thế thấp kém của phụ nữ so với nam giới không phải là “điều kiện tự nhiên” mà là kết quả của sự phân biệt đối xử với phụ nữ theo một hệ thống. Tăng cường các hoạt động tập huấn để các tài liệu tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giới và bình đẳng giới đến được với tất cả phụ nữ và cộng đồng, quan tâm đến đối tượng phụ nữ nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” do Thủ tướng Chính phủ ban hành; cần có thêm nhiều hơn nữa chương trình, dự án lồng ghép hỗ trợ phụ nữ với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo điều kiện để phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ.
Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị: Để công tác cán bộ nữ đạt được mục tiêu như Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị đòi hỏi chính chị em phải nỗ lực rất lớn. Bác Hồ từng nói: “Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”.
Với vai trò Hội LHPN tỉnh, các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng sẽ được Hội tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Các cấp Hội đẩy mạnh Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hai cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất phụ nữ thời kỳ mới: Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảmg đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khích lệ, động viên chị em phát huy tiềm năng, ý chí tự lực, tinh thần khởi nghiệp, chủ động tham gia giải quyết những vấn đề của chính mình, của gia đình cũng như toàn xã hội; tạo các diễn đàn, đối thoại để chị em trực tiếp tham gia hiệu quả vào việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua giám sát, phản biện xã hội gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Mang Phượng-BTG Hội LHPN tỉnh Tây Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây