Cần khắc phục tình trạng quy hoạch “khập khễnh” và “mạnh ai nấy làm”

Thứ tư - 27/11/2013 00:00 42 0
Sáng ngày 25.11, tham gia thảo luận phần “quy hoạch xây dựng” trong dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận định, hiện nay sự phối hợp đa ngành trong quá trình lập quy hoạch còn rất hạn chế, dẫn tới sự chồng chéo giữa các loại quy hoạch, tụt hậu về phương pháp. Có thể nói là “mạnh ai nấy làm” nên (quy hoạch) “khập khễnh” không thể phát triển bền vững.

 

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương phát biểu thảo luận Luật Xây

Thật vậy, hiện nay cứ nói đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội là gắn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; quy hoạch sử dụng đất gắn với Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy hoạch xây dựng, đô thị gắn với Bộ Xây dựng, quy hoạch ngành gắn với các bộ, ngành khác. Gần như quyền về xây dựng, thẩm định, trình phê duyệt và thực hiện mọi loại quy hoạch vẫn là công việc của từng bộ, ngành.

Từ năm 2005 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 3 bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng ngồi lại với nhau để giải quyết những vướng mắc giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng nhưng cho đến hôm nay cũng chưa có kết quả, vẫn việc ai người ấy làm, quyền ai người ấy thực hiện. Qua nhận định trên, đại biểu Phương hoan nghênh việc Chính phủ giao một đầu mối là Bộ KHĐT nghiên cứu soạn thảo Luật Quy hoạch.

Như vậy sau này các loại quy hoạch được tích hợp trong cùng một luật thì việc “mạnh ai nấy làm” hay “khập khễnh” trong quy hoạch sẽ được khắc phục. Và cũng từ lý do này, đại biểu Phương đề nghị chuyển phần quy hoạch trong dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) sang Luật Quy hoạch hoặc Luật Quy hoạch đô thị đang chỉnh sửa.

 Về thiết kế xây dựng, đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí trong các dự án đầu tư xây dựng là do thiếu vắng vai trò kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước trong các khâu thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán xây dựng.

Trên các phương tiện truyền thông đã từng đưa tin về công trình thuỷ lợi đầu tư tiền tỷ nhưng xây xong không vận hành được do sai về cao trình thiết kế; hoặc nhiều chợ đầu mối tại các quận ven đô và huyện ngoại thành Hà Nội đầu tư tiền tỷ xây xong mà không khai thác được do quy hoạch bất cập, thiết kế không hợp lý, lựa chọn sai địa điểm…

Với những phân tích trên, đại biểu Phương đề nghị nên nghiên cứu đưa vào Luật những quy định cụ thể về năng lực và trách nhiệm của cơ quan thẩm định, tư vấn thẩm tra khi có sai sót; quy định về trách nhiệm của thanh tra xây dựng khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao; cũng như quy định trách nhiệm của tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát khi công trình xây dựng sai phép hay khi có sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó cũng cần bổ sung thêm những quy định về năng lực của cá nhân khi thẩm định dự án và đơn vị thẩm định được phép mời các chuyên gia để tham vấn đối với những nội dung vượt quá năng lực chuyên môn của mình. Đại biểu Phương khẳng định, nếu có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý từ khâu thiết kế cơ sở cho đến các công tác kiểm soát như trên thì chắc chắn sẽ không xảy ra sự lãng phí.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây