Cần tòa án môi trường để giải quyết tranh chấp

Thứ tư - 31/07/2013 00:00 74 0
Việc kêu than tình trạng ô nhiễm môi trường của người dân sống xung quanh các khu công nghiệp đã không còn xa lạ. Trong nhiều năm, người dân địa phương những nơi này đã gửi đơn kiến nghị, khiếu nại về tình trạng ô nhiễm môi trường của khu công nghiệp đến chính quyền, các cơ quan các cấp.

Những dòng sông đen ngòm vì nước thải công nghiệp. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, dường như người dân không nhận được sự quan tâm của chính quyền hoặc nếu có thì các biện pháp giải quyết không có hiệu quả, mới chỉ dừng ở việc giải quyết các xung đột gây mất an ninh địa phương. Đó là ý kiến chung của các chuyên gia tại Hội thảo “Đối thoại chính sách về giải quyết tranh chấp môi trường ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp (IPSI) – Bộ Công thương và Quỹ Châu Á (AF) phối hợp tổ chức ngày 30/7 tại Hà Nội.

Bất cập trong cơ chế giải quyết

Phát triển công nghiệp là xu hướng tất yếu của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nhà máy ở các khu công nghiệp đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe, nuôi trồng thủy sản… của người dân.

“Mức độ ảnh hưởng của tranh chấp môi trường chỉ xếp sau vấn đề tranh chấp đất đai, điều đó nói lên môi trường ô nhiễm đang là vấn đề quan ngại sâu sắc của xã hội” - TS. Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu được IPSI thực hiện tại TP.HCM, Đồng Nai, Thái Nguyên, Hưng Yên và Đà Nẵng, ô nhiễm về môi trường tại các khu công nghiệp chủ yếu do người dân phát hiện ra. Người dân không đánh giá ô nhiễm theo chỉ số BOD, COD mà họ nhìn nhận dưới góc độ mùi hôi thối, ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.

Tại TP.HCM, 96% người dân cho rằng có ô nhiễm mùi rất báo động; ở Thái Nguyên khói bụi từ nhà máy Kẽm điện phân làm vàng lá; tại Hưng Yên nước sông đã chuyển màu đen và có mùi hôi thối hay như ở Đà Nẵng 56,63% người dân nói có bị ảnh hưởng của ô nhiễm mùi từ khu công nghiệp thủy sản. Mặc dù, người dân đã có nhiều phản ánh, nhưng vẫn chỉ là sự phản ánh một chiều.

Ông Lê Minh Đức - Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp - cho biết, người dân cũng không có thông tin về ô nhiễm nơi họ sống. Ở Hưng Yên, nghe nói 2 lần phòng tài nguyên và môi trường lấy mẫu nước, tuy nhiên họ không thông báo với người dân. Ngay cả khi yêu cầu, dân cũng không có thông tin về môi trường khu vực. Chỉ khi người dân gây sức ép, cơ quan chuyên môn vào cuộc thì ô nhiễm mới công nhận.

Tuy nhiên, các phương thức giải quyết tranh chấp của các cơ quan quản lý hầu như đều không được người dân chấp nhận. Nguyên nhân cơ bản chính là tình trạng chưa minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp, người dân không biết khiếu nại của mình đang ở giai đoạn nào trong khâu xử lý, chưa nói đến việc xử lý có thỏa đáng hay không.

“Dường như chính quyền địa phương cấp cơ sở, chưa ý thức được trách nhiệm của mình  trong việc giải quyết tranh chấp môi trường, chủ yếu giải quyết nhằm mục tiêu ổn định trật tự xã hội. Chính vì vậy, dân đã có những phản ứng, đơn giản nhất là vượt cấp, có những hành động manh động, bao vây, uy hiếp doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường”- ông Giám nhấn mạnh thêm.

Cần thành lập tòa án môi trường

Thực tế cho thấy, bản chất tranh chấp môi trường là giữa người dân và doanh nghiệp gây ô nhiễm. Cơ quan hành chính dường như đứng ngoài, bởi họ không phải bên gây ô nhiễm nên không có trách nhiệm trả lời đơn. Khi yêu cầu cơ quan hành chính giải quyết, nếu có vào cuộc, họ chỉ làm theo chức trách, không phải giải quyết đúng nghĩa.

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tình trạng tranh chấp là cần hình thành Ban Môi trường trực thuộc cấp tỉnh để tiếp nhận đơn thư khiếu nại về môi trường, đồng thời đơn vị này cũng chính là đơn vị trung gian tiến hành hòa giải và xác định mức đền bù thiệt hại cho người bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm. Tuy nhiên, về lâu dài, để giải quyết vấn đề tranh chấp ô nhiễm môi trường cần tòa chuyên trách, tòa chuyên sâu giải quyết vấn đề này.- ông Đức trưởng nhóm nghiên cứu đề xuất.

                                                               Thành Hưng (Nguồn Báo Công thương điện tử)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây