Công tác bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn hạn chế

Thứ hai - 07/01/2013 00:00 114 0
Theo Sở NN&PTNT, tổng diện tích rừng trên toàn tỉnh là 48.810ha – chiếm 67,8% diện tích quy hoạch lâm nghiệp, độ che phủ bằng 13,5%. Chỉ trong năm 2012, Tây Ninh đã trồng mới hơn 1.000 ha rừng, cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra.

 

Cây rừng hai người ôm trong Vườn QG Lò Gò Xa Mát

 

Công tác bảo vệ, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và trồng mới rừng được thực hiện khá tốt, diện tích rừng khoanh nuôi (6.854ha) phát triển khá tốt và có nhiều triển vọng phát triển thành rừng sau một chu kỳ đầu tư. Trước đó, trong giai đoạn 2006 – 2010, đã có 3.910 ha khoanh nuôi tái sinh phát triển thành rừng, diện tích nghiệm thu hằng năm đạt tỷ lệ trên 98%. Hiện Tây Ninh đang từng bước xây dựng và phát triển được một hệ thống rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bằng cây lâm nghiệp trên tuyến biên giới phía Bắc của tỉnh, phát huy tác dụng phòng hộ bảo vệ môi trường, đặc biệt là phòng hộ cho hồ Dầu Tiếng, bảo tồn di tích lịch sử, góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh.

Để thực hiện Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 – 2020 là 74.400ha, Tây Ninh rất quyết liệt trong việc xử lý tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 30.11.2012, Tây Ninh đã thu hồi 3.851/4.117 ha, đạt 93,54% diện tích cần xử lý.

Điểm đáng ghi nhận là công tác phòng chống cháy rừng. Trong năm 2012, tất cả các khu rừng trên toàn tỉnh Tây Ninh liên tục được xếp vào diện nguy cơ cháy rừng cấp IV, cấp V – nguy hiểm hoặc cực kỳ nguy hiểm, nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh. Tuy nhiên, cả năm 2012 chỉ xảy ra 2 vụ cháy rừng với diện tích 0,63ha.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, qua giám sát cho thấy, việc xây dựng và phê duyệt một số dự án đầu tư theo quy hoạch chậm thực hiện (dự án Vườn Quốc gia giai đoạn II); công tác triển khai các dự án còn chậm, thiếu đồng bộ (mới triển khai dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất của huyện Châu Thành; các dự án thuộc rừng phòng hộ Dầu Tiếng và rừng văn hoá lịch sử (VHLS) Chàng Riệc chưa xây dựng dự án). Tiến độ xử lý một số vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý quy hoạch lâm nghiệp và quản lý đất rừng còn bất cập (xử lý đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và sử dụng đất không đúng mục đích còn chậm); công tác rà soát và giải quyết các trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trùng trên quy hoạch đất lâm nghiệp còn hạn chế, nhất là trong đất quy hoạch của Vườn Quốc gia (VQG) Lò Gò Xa Mát; công tác đo đạc, xác định và phân định rõ ranh giới đất nông lâm nghiệp ngoài thực địa còn chậm… Việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng (trạm bảo vệ rừng, đường tuần tra, đào mương bảo vệ rừng…) của các khu rừng chưa đạt kế hoạch hằng năm; cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng xuống cấp, hư hỏng nhưng chậm được sửa chữa, nâng cấp, mua sắm kịp thời.

Một số diện tích rừng gần với khu dân cư tập trung, giáp biên giới với Campuchia và tỉnh Bình Phước, thỉnh thoảng vẫn còn xảy ra các vụ trộm lậu lâm sản với quy mô nhỏ, lẻ; khu vực rừng thuộc VQG Lò Gò Xa Mát giáp tuyến biên giới với Campuchia luôn có nguy cơ cháy rừng rất cao. Hiện nay, khi rừng khép tán thì thu nhập (từ việc tỉa thưa từ các cây phụ trợ) của người nhận khoán bảo vệ, chăm sóc rừng trồng ngày càng thấp, nên nguy cơ xảy ra tình trạng phá rừng trồng để lấy đất sản xuất rất dễ phát sinh.   

Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các ngành, UBND các huyện có diện tích rừng tăng cường giải quyết dứt điểm tình trạng bao, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, nhằm sớm tổ chức trồng rừng theo kế hoạch.

Chỉ đạo UBND các địa phương, ngành TN-MT phối hợp với các ban quản lý rừng sớm rà soát, đánh giá, xây dựng và triển khai Dự án vùng đệm; xác định ranh giới diện tích rừng ngoài thực địa (thiết lập 10km ranh Nông – Lâm và 13 ha Khu dân cư Tân Nam thuộc Ban quản lý VQG Lò Gò Xa mát); khẩn trương kiểm tra, giải quyết dứt điểm tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn lên đất rừng hoặc trùng vào khu vực quy hoạch đất lâm nghiệp.

Có kế hoạch tổ chức làm việc và phối hợp với chính quyền phía Campuchia nhằm nâng cao hiệu quả nâng cao hiệu quả ngăn chặn và xử lý các trường hợp phá rừng ở khu vực vành đai biên giới; chỉ đạo xây dựng kế hoạch di dời, định cư ổn định lâu dài cho các hộ dân. Xem xét hỗ trợ thêm định suất khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng từ nguồn ngân sách địa phương (ngoài phần kinh phí của Trung ương 200.000 đồng/ha/năm), tạo điều kiện ổn định và nâng cao đời sống cho các hộ dân nhận khoán. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đầu tư (vốn vay, lãi suất tiền vay) đối với các hộ nhận khoán trồng, chăm sóc rừng để có điều kiện sản xuất hoặc trồng các loài cây phụ trợ khác dưới tán rừng, bảo đảm tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững…

Theo BTNO

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây