Cảnh báo nạn mua bán người

Thứ sáu - 04/10/2013 00:00 62 0
Kết thúc đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới, từ ngày 1/7 đến 31/8, trên địa bàn toàn quốc phát hiện 104 vụ mua bán người, 180 đối tượng, giải cứu 228 nạn nhân.

 

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình lấy lời khai một đối tượng mua bán người bị bắt trong đợt cao điểm. Ảnh Cand.vn

Theo Cục Cảnh sát hình sự (C45), một trong những thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người là lợi dụng sơ hở trong môi giới hôn nhân, đi du lịch thăm thân, xuất khẩu lao động để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài.

Đặc biệt, gần đây xuất hiện các tổ chức, đường dây mua bán người đưa phụ nữ, trẻ em sang các nước như Malaysia, Singapore để hoạt động mại dâm theo dạng "tour du lịch", các đường dây buôn người sang các nước này thường tập trung nhiều ở các tỉnh khu vực phía Nam và miền Tây Nam Bộ như Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Nông, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Tháp…

Đối tượng mà bọn tội phạm buôn người hướng tới là những phụ nữ trẻ kém hiểu biết về pháp luật, trình độ dân trí thấp, cư trú ở vùng sâu, vùng xa.

Theo lời kể của 6 phụ nữ Việt Nam bị cảnh sát Malaysia bắt giữ tại tụ điểm mại dâm tỉnh Penang, họ ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp. Các đối tượng đã đến làm quen, hứa hẹn đưa họ sang Malaysia phục vụ các nhà hàng, quán karaoke…, công việc vừa nhàn hạ, vừa có thu nhập cao. Thế nhưng, khi sang đến Malaysia, các cô gái này đều bị chủ giữ hết giấy tờ tùy thân, tư trang và bắt uống "thuốc lắc", tiếp khách mua dâm ở các quán karaoke trá hình hoặc các ổ mại dâm ở tỉnh Penang. Nếu ai đòi về sẽ phải trả khoản tiền lớn, bị bỏ đói, đánh đập hoặc dọa báo cảnh sát bỏ tù…

Táo tợn hơn, hiện nay, ở các tỉnh biên giới như Hà Giang, bọn tội phạm trong nước đã câu kết với các đối tượng ở nước ngoài rình rập ở các quãng đường vắng, bắt cóc phụ nữ đang đi trên đường hoặc làm rẫy để đưa sang Trung Quốc bán.

Theo cảnh báo của cơ quan Công an, tệ nạn buôn người sẽ còn diễn biến với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Chính vì thế, là đơn vị phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người, các trinh sát Phòng 6 (Cục C45) khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với các cạm bẫy "buôn người" luôn rình rập.

Khi chẳng may trở thành nạn nhân của các đối tượng buôn người, bị bán vào các động mại dâm trong nước hoặc nước ngoài, thì trước hết các nạn nhân phải tìm cách để tự cứu mình. Đó là ghi nhớ các đặc điểm về nơi mình đang bị giam giữ, ép bán dâm, sau đó tìm mọi cách thông tin về cho gia đình hoặc cơ quan Công an (có thể nhờ điện thoại di động của khách mua dâm, hoặc lên mạng "chát" nếu được sử dụng mạng Internet…).

Khi Công an liên hệ được thì phải cố gắng làm theo chỉ dẫn của cơ quan Công an để giải cứu cho mình. Ví dụ, trên đường bị đưa đi tiếp khách, nếu thấy có đồn Công an thì tìm cách chạy thật nhanh vào kêu cứu. Hoặc khi lợi dụng sơ hở của chủ chứa trốn được ra ngoài thì phải sử dụng phương tiện công cộng chạy thật xa nơi đó. Đến nơi xa thì mua một sim điện thoại khác, hoặc gọi nhờ điện thoại cho gia đình hoặc cơ quan Công an để được tiếp tục hướng dẫn việc trốn chạy.

Trong một số trường hợp, cơ quan Công an sẽ liên hệ với những người tốt bụng, chuyên giúp đỡ Công an trong việc giải cứu nạn nhân bị bán sang Trung Quốc đến giải cứu để đưa về…

Một biện pháp khác cũng khá hữu ích được các trinh sát đưa ra để hướng dẫn cho các nạn nhân bị lừa bán, đó là tìm cách nào đó để được bọn chủ chứa đưa đến bệnh viện chữa trị, bởi ở những nơi đông người như bệnh viện sẽ dễ lẩn trốn hoặc nhờ sự giúp đỡ của những người tốt bụng hoặc cơ quan Công an…

Các nạn nhân và gia đình có con cái bị lừa bán có thể liên hệ, tố giác tội phạm theo "đường dây nóng" của Phòng 6 (Cục C45) như sau: Số điện thoại đường dây nóng: 069.44037; trực ban hình sự: 069.44103 và địa chỉ email: Chongbuonnguoi@gmail.com.

Theo chinhphu.vn

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây