Thiết bị ký số.
Thời gian qua, cùng với quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản, tài liệu của các cơ quan Nhà nước, việc triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng đã tạo điều kiện bảo đảm an toàn cho các giao dịch điện tử, góp phần xây dựng môi trường làm việc hiện đại, minh bạch, cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử.
Hiện tại, hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của Ban Cơ yếu Chính phủ đã triển khai cung cấp chứng thư số cho các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, trong toàn tỉnh đã cấp phát bàn giao thiết bị ký số (token) cho 84 đơn vị và 358 thiết bị ký số cho cá nhân là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan Nhà nước trong tỉnh.
Việc cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của cơ quan Nhà nước các cấp, trong việc bảo đảm xác thực và bảo mật thông tin phục vụ lãnh đạo, điều hành.
Đối với công tác quản lý, triển khai chứng thư số được tiến hành từng bước, từ việc đăng ký cấp phát, tập huấn, hướng dẫn cài đặt và sử dụng cho các đối tượng là lãnh đạo, phụ trách công nghệ thông tin và văn thư của các đơn vị. Việc quản lý, cấp mới, thu hồi khoá bí mật (USB token) bảo đảm tuân thủ quy định của Bộ Nội vụ tại Thông tư số 05/2010/TT-BNV ngày 1.7.2010.
Chữ ký số bước đầu được triển khai thử nghiệm tại 10 đơn vị cấp tỉnh và 3 đơn vị cấp huyện. Các đơn vị được cấp chứng thư số đưa vào sử dụng phục vụ trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử trong các cơ quan Nhà nước, đồng thời quản lý, kiểm tra việc bảo quản và sử dụng chứng thư số của cơ quan, đơn vị mình.
Việc phát hành văn bản điện tử đã ký số thông qua phần mềm văn phòng điện tử e-Office, được thực hiện theo quy trình: ký 2 chữ ký số trên văn bản phát hành (chữ ký số của lãnh đạo đơn vị và chữ ký số của đơn vị), không thực hiện ký nháy của cấp trung gian.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Vũ Xuân Trường, ưu điểm lớn nhất khi áp dụng văn bản điện tử có chữ ký số là văn bản này không thể làm giả; lãnh đạo đơn vị có thể ký văn bản bất cứ nơi đâu nếu có thiết bị ký số, phần mềm điện tử và internet; tiết kiệm thời gian, tiền bạc, giảm giấy tờ, bảo mật, chính xác, góp phần xây dựng môi trường làm việc hiện đại.
Từ khi có văn bản chỉ đạo triển khai thử nghiệm chữ ký số tại một số cơ quan Nhà nước trong tỉnh, đến nay các đơn vị đã nghiêm túc triển khai, thể hiện trách nhiệm và nhận thức cao của lãnh đạo các cấp. Các đơn vị đã thể chế hoá việc áp dụng chữ ký số, thông qua ban hành các văn bản quy định, nhằm tạo cơ sở thúc đẩy triển khai chữ ký số trong quy trình xử lý công việc qua mạng.
Chứng thư số đã phát huy hết hiệu quả sử dụng trong thực tế; hầu hết các đơn vị đã thực hiện ký số các loại văn bản điện tử theo quy định của UBND tỉnh và thực hiện theo quy trình phát hành văn bản trên hệ thống phần mềm văn phòng điện tử e-Office.
Trong quá trình khảo sát vừa qua cho thấy, một số đơn vị đã thực hiện khá tốt việc ứng dụng phần mềm văn phòng điện tử và xử lý văn bản điện tử áp dụng chữ ký số như Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính.
Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông cho biết thêm, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: trong giai đoạn hiện nay, việc luân chuyển cán bộ thực hiện thường xuyên nên việc cập nhật lại thông tin chứng thư số chậm, gây hiệu ứng không tốt cho công tác ứng dụng chữ ký số của địa phương;
Việc cấp phát thiết bị ký số từ Ban Cơ yếu chưa kịp thời, nên địa phương còn gặp phải khó khăn trong việc triển khai thực hiện và chưa đúng tiến độ; nhiều lãnh đạo đang sử dụng máy tính bảng, tuy nhiên thiết bị ký số chưa sử dụng được trên máy tính bảng không sử dụng hệ điều hành Microsoft Windows; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm trong việc triển khai ứng dụng chữ ký số tại đơn vị mình...
Ngoài ra, giữa Luật Giao dịch điện tử và Luật Lưu trữ văn bản vẫn còn một số vấn đề chưa thống nhất; hệ thống lưu trữ văn bản ký số chưa bảo đảm; công tác lưu trữ vẫn còn duy trì văn bản giấy mặc dù công văn gửi đi đã được số hoá.
Theo BTNO