Công tác an sinh xã hội được chú trọng, người nghèo được quan tâm giúp đỡ, chỉ tính từ năm 2000 đến nay, toàn tỉnh đã xây và bàn giao được 14.662 căn nhà Đại đoàn kết, 2.467 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình nghèo, gia đình chính sách trị giá trên 257 tỉ đồng. Ban vận động các ấp, khu phố trong tỉnh đã vận động các hộ giàu, khá ở khu dân cư giúp cho 239.417 hộ nghèo có điều kiện sản xuất, chăn nuôi với số tiền 163,871 tỷ đồng; Phối hợp vận động các nguồn lực tặng quà cho hộ nghèo nhân các dịp Tết nguyên đán hàng năm được 450.675 phần, tổng trị giá 135,202 tỷ đồng ... Ngoài ra, từ nguồn vận động "Quỹ vì người nghèo" Mặt trận tỉnh còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tỉnh xây dựng Đề án "Hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo sản xuất, chăn nuôi", Quỹ đã hỗ trợ vốn cho 234 hộ vay với tổng số tiền là 4,580 tỷ đồng để giúp cho các hộ nghèo có điều kiện chăn nuôi, sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống.
Phong trào xã hội học tập được phát triển mạnh mẽ, nhiều trung tâm học tập cộng đồng, mô hình "gia đình hiếu học" đã hình thành và nhân rộng ở nhiều nơi. Thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, Ban vận động các ấp (kp) đã vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân người dân ở địa phương tổ chức nhiều hoạt động như: Vận động trẻ em đến tuổi ra lớp, phổ cập mầm non, vận động học sinh bỏ học ra lớp, giúp đỡ học sinh nghèo có điều kiện đến lớp…
Ban vận động các ấp (kp) đã thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện ăn chín, uống sôi, ngủ mùng, xử lý rác thải, nước ao tù, phòng ngừa dịch bệnh, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo được quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu. Mô hình "gia đình sức khoẻ", "ấp sức khoẻ" ngày càng phát triển, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho người nghèo được thực hiện thường xuyên, đặc biệt chăm lo đồng bào nghèo các dân tộc, các đối tượng chính sách và người cao tuổi.
Các danh hiệu của cuộc vận động như: Gia đình văn hóa, ấp (kp) văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào. Tính đến cuối năm 2014 toàn tỉnh có 522/542 ấp (kp) được công nhận danh hiệu ấp (kp) văn hóa, có 273.009 hộ/278.915 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (đạt 93,56%). Phong trào nêu gương "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền", "người lớn gương mẫu trẻ em chăm ngoan", "Người cao tuổi mẫu mực", "Gia đình mẫu mực" đã trở thành hoạt động thường xuyên ở nhiều khu dân cư, có giá trị tinh thần và ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Môi trường, cảnh quang được Mặt trận cơ sở phối hợp phát động nhân dân tham gia tiêu biểu như xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành. Ngoài ra MTTQ thành phố Tây Ninh đã xây dựng kế hoạch vận động nhân dân thành phố tham gia công tác chỉnh trang, xây dựng thành phố văn minh, sạch, đẹp, bước đầu mang lại kết quả tốt, người dân ở ấp (kp) từng bước tự giác giữ gìn vệ sinh chung, thực hiện thu gom xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, trồng cây xanh bảo vệ môi trường, giám sát, phản ảnh các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Qua công tác tuyên truyền vận động của Mặt trận nhiều ấp đã xóa bỏ được những tập tục lạc hậu, thực hiện những tập quán mới, dùng nước sạch, từng bước xóa bỏ nhà vệ sinh trên ao hồ, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, như ấp Kà Ốt, Sóc Con Trăn – Tân Châu; ấp Hòa Đông A, Thạnh Đông – Tân Biên….
Cuộc vận động cũng đã tạo tiền đề và điều kiện cho việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở bằng hình thức tự quản tại khu dân cư, Thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Phong trào quần chúng "Bảo vệ an ninh tổ quốc", xây dựng các đội tuần tra nhân dân, tổ dân cư tự quản, phong trào "Toàn dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm, cảm hoá, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư" ngày càng phát huy hiệu quả, 20 năm qua đã có trên 2.730 đối tượng phạm tội được giáo dục, cảm hóa tái hòa nhập cộng đồng. Mặt trận Tổ quốc các cấp còn phối hơp với các ngành chức năng, các tổ chức thành viên triển khai nhiều mô hình hoạt động đạt hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh, như mô hình "Toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm", mô hình " Tuần tra nhân dân", " Tổ dân cư tự quản", mô hình " Phát huy vai trò của Ban Cai quản họ đạo Cao đài Tòa thánh Tây Ninh về đảm bảo trật tự an toàn giao thông". Xác định đây là cơ sở để đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự, là nơi thường xuyên nhân dân được thông báo phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trong từng xóm, ấp và đảm bảo an ninh trên tuyến biên giới, MTTQ còn phối hợp với các ban ngành đoàn thể, các tổ chức thành viên, xây dựng 542 câu lạc bộ pháp luật, câu lạc bộ "4 giảm", tổ liên kết an ninh trật tự, thành lập 542 nhóm nòng cốt tuyên truyền giáo dục pháp luật, tổ giáo dục, cảm hóa đối tượng phạm tội tại cộng đồng dân cư. Xã Phước Đông, huyện Gò Dầu qua mô hình "Đội tuần tra nhân dân" đã có 79 quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác và trực tiếp truy bắt tội phạm, được cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng. Ban vận động ấp (kp)) còn tham gia hoà giải hàng chục ngàn vụ việc tranh chấp mất đoàn kết ở khu dân cư, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp và giúp cho lực lượng công an phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những vụ vi phạm pháp luật, thực hiện có kết quả việc chuyển hoá địa bàn, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư.
Tuy nhiên, chất lượng cuộc vận động cũng còn có những mặt hạn chế cần phải tiếp tục quan tâm, đổi mới, như: nhiều Ban vận động ấp (kp) hoạt động chưa đều, chưa thật sự đi vào chiều sâu, lúng túng trong việc triển khai các nội dung, chưa chọn ra những nội dung trọng tâm bức xúc ở khu dân cư, chưa nắm đầy đủ ý nghĩa, mục đích, nội dung của cuộc vận động. Sự phối hợp giữa MTTQ và các ngành, các tổ chức thành viên chưa được chặt chẽ và đồng bộ, việc xây dựng quy ước ấp (kp) ở nhiều nơi còn rập khuôn, hình thức, dài dòng khó nhớ, làm ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện của người dân ở ấp (kp). Việc biểu dương khen thưởng động viên, nhân điển hình chưa kịp thời... cuộc vận động sắp tới cần phải được đổi mới về nội dung và hình thức để phục vụ tốt cho việc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh do Đảng, nhà nước chủ xướng.
Tóm lại với việc tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930- 18/11/2015) và đồng thời tổng kết 20 năm thực hiệc Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", chúng ta vui mừng khi thấy những kết quả mà nó mang lại góp phần thiết thực làm chuyển biến mọi mặt đời sống nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn dân cư và hộ gia đình. Cuộc vận động đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, nhất là vùng nông thôn sâu, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ở từng khu dân cư trong địa bàn toàn tỉnh. Năm 2016 trở đi cuộc vận động Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" sẽ được nâng chất và thay thế bằng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", như lời đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam: Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" nhằm thực hiện chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức một cuộc vận động trung tâm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên nhằm thiết thực góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây cũng là cơ sở để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hiệp thương với các tổ chức thành viên, phối hợp với chính quyền các cấp để xây dựng, triển khai cụ thể chương trình thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp và mỗi địa phương.
Nguyễn Nhiếm