Dịch cúm gia cầm với các chủng vi rút khác nhau, có nguy cơ lây lan rộng, lây nhiễm sang người đã được xác định là dịch bệnh nguy hiểm.
Tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng lây lan trên diện rộng, tính đến thời điểm hiện nay đã có 12 hộ có gia cầm bệnh cúm ở 11 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 03 huyện, thành phố, đó là: xã An Thạnh, xã Lợi Thuận (huyện Bến Cầu), xã Hòa Hội, xã Trí Bình, xã Hòa Thạnh, xã Thái Bình, xã Đồng Khởi, xã Phước Vinh, xã Hảo Đước, Thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành), phường Ninh Sơn (Thành phố Tây Ninh), số gia cầm chết và tiêu hủy là 16.406 con.
Trước tình hình trên, các ngành, các cấp đã có những chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Do tình hình cấp bách của công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, đồng ý cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm các thủ tục tạm ứng trước 500.000 liều vaccine H5N1 chủng Re-6 tại Công ty thuốc thú y Trung ương I.
Ngày 06/3/2014, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1002/TB-VP, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai một số nhiệm vụ sau:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người”; Tuyên truyền mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch, ngăn chặn không để lây lan, không để lây nhiễm sang người, công khai diễn biến tình hình dịch bệnh để người dân chủ động tham gia, hợp tác phòng chống dịch, phát triển chăn nuôi bền vững; Tiếp nhận, bảo quản và sử dụng hợp lý thuốc sát trùng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp; Xem xét, cân đối vaccine và thuốc sát trùng hỗ trợ cho các địa phương để chủ động trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Sở Y tế thường xuyên theo dõi diễn biến dịch cúm gia cầm xảy ra ở các huyện, thành phố, tăng cường hướng dẫn cho nhân dân trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và hỗ trợ, hướng dẫn cho các hộ gia đình trong vùng dịch có người bị sốt cao.
Sở Tài chính hướng dẫn trình tự thủ tục thanh quyết toán các chế độ, chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi, người tham gia công tác phòng, chống dịch; Xem xét lại các quy định của Trung ương và tỉnh về chế độ, chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi, người tham gia công tác phòng, chống dịch, tham mưu UBND tỉnh mức hỗ trợ phù hợp tình hình thực tế.
Các Sở, ngành: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Biên phòng, Hải quan rà soát việc buôn bán gia cầm sống tại các chợ, đảm bảo tách riêng nơi bán gia cầm sống với các hàng hóa khác, được kiểm soát chặt chẽ về thú y; Bố trí các chốt chặn vùng biên giới để phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được xử lý chín bằng nhiệt qua biên giới vào nội địa; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát dịch bệnh đến từng hộ gia đình, tổ dân cư nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời để dập dịch; Thường xuyên thực hiện việc tiêu độc, khử trùng các chợ theo quy định; khuyến khích việc đưa gia cầm vào giết mổ tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Tổ chức thực hiện tốt “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng chống dịch cúm gia cầm” trên địa bàn; Tuyên truyền các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm gia cầm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm; ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm để bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng; tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi biết để hạn chế việc giấu dịch, vứt xác gia cầm ra môi trường;
Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình giấu dịch, vứt xác gia cầm bị dịch ra môi trường, không tiêu hủy gia cầm theo quy định; Khuyến cáo các hộ chăn nuôi bị dịch cúm gia cầm không nên tái đàn, nuôi mới trong thời điểm hiện nay; kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vịt chạy đồng, có biện pháp không cho di chuyển qua địa bàn chưa phát sinh dịch.
Các địa phương báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh cúm gia cầm về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế. Sở Nông nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế phải cập nhật tình hình dịch bệnh hàng giờ và cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan để có chỉ đạo ứng phó kịp thời.
K.Thành