Chủ tịch UBND tỉnh: Nâng cao thu nhập của người dân mới là gốc của xây dựng nông thôn mới

Thứ năm - 15/12/2016 15:00 71 0
Liên quan đến công cuộc xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo tỉnh xác định sẽ không có nông thôn mới thực chất và đúng nghĩa khi các công trình kết cấu hạ tầng có đầy đủ mà người dân vẫn còn nghèo khó, không có sinh kế bền vững. Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân mới là cái gốc của xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân phát biểu về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND tỉnh.

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân có bài phát biểu quan trọng, giải trình thêm một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2016, đồng thời đề cập những nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2017.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân nhận định, kinh tế của tỉnh năm 2016 tuy có tăng trưởng nhưng chưa thật sự ổn định, vững chắc; Hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thiếu tính ổn định, số lượng doanh nghiệp chưa nhiều; Nguồn ngân sách hạn hẹp nên chưa đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển; Hạ tầng giao thông tuy được tập trung đầu tư nhưng còn bất cập, thiếu đồng bộ, một số công trình tiến độ triển khai còn chậm (như đường 794 giai đoạn 1); Chất lượng một số công trình chưa đảm bảo; Thu hút đầu tư tuy có khởi sắc song dự án đầu tư lớn, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao chưa nhiều; Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến nhưng chưa toàn diện; Công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên có mặt còn bất cập, yếu kém cần quan tâm giải quyết...

Đề cập nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết nguồn ngân sách hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn, không thể đáp ứng hết nhu cầu của đơn vị, địa phương. Do đó, tỉnh phải cân nhắc, tính toán kỹ để phân bổ hài hoà, hợp lý theo chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, bảo đảm cân đối giữa chi đầu tư và chi thường xuyên, sử dụng ngân sách sao cho hiệu quả nhất.

Năm 2017, tỉnh tập trung xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông giai đoạn 2017-2020. Chủ động phối hợp các Bộ (Giao thông Vận tải, Quốc phòng), với TP Hồ Chí Minh để thúc đẩy triển khai nhanh dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 22, duy tu sửa chữa quốc lộ 22B, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Ninh, đường tuần tra biên giới; lập dự án chuẩn bị đầu tư cầu An Hoà, tạo điều kiện phát triển nhanh 3 xã cánh Tây huyện Trảng Bàng; triển khai đường Đất Sét - Bến Củi kết nối với Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh- đặc biệt là đến sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai.

Về thu hút đầu tư, tỉnh tiếp tục tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bảo đảm tính công khai, minh bạch, xoá bỏ rào cản, khuyến khích khởi nghiệp, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp về số lượng và chất lượng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về thu hút vốn đầu tư. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 35/NQ-CP, ngày 16.5.2016 của Chính phủ và cam kết của tỉnh đã ký với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh xem sự phát triển của doanh nghiệp là động lực, yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới cần đẩy nhanh tiến trình hợp tác, liên kết với các nhà doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc) lập kế hoạch, xác định bước đi phù hợp. Liên quan đến công cuộc xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo tỉnh xác định sẽ không có nông thôn mới thực chất và đúng nghĩa khi các công trình kết cấu hạ tầng có đầy đủ mà người dân vẫn còn nghèo khó, không có sinh kế bền vững. Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân mới là cái gốc của xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Chương trình xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác, liên kết trong tổ chức sản xuất nông nghiệp, gắn kết các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, phân phối; xác định đầy đủ vai trò chủ thể và chủ động của người dân là yếu tố quyết định thành công của xây dựng nông thôn mới.

Năm 2017, các cấp, các ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi gây ô nhiễm môi trường; xây dựng mới quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng thông thường và than bùn của tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng 2030, theo hướng hình thành vùng quy hoạch tập trung, diện tích lớn, khắc phục triệt để những bất cập của quy hoạch trước đây (nhỏ lẻ, manh mún, thiếu khả thi); thúc đẩy việc triển khai dự án nhà máy thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Tây Ninh (từ nguồn vốn ODA của chính phủ Ý).

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây