Chiến dịch Hồ Chí Minh ở Tây Ninh trong ký hoạ Võ Đồng Minh

Thứ bảy - 25/04/2015 15:00 102 0
Một hình ảnh rất cảm động mà hoạ sĩ đã bắt được và kịp ghi lại trên bức ký hoạ mang tên “Con đã về, 30.4.1975” là một chiến sĩ hoặc anh cán bộ cách mạng gặp lại mẹ ngay trong ngày đất nước vừa toàn thắng. Anh đã bỏ súng đạn, ba lô xuống để ôm choàng đôi bờ vai gầy gò của mẹ, mắt đăm đăm nhìn kỹ mặt mẹ mình. Mẹ cũng ngước lên nhìn con, vẻ còn đầy thảng thốt, ngạc nhiên như chưa tin vào hiện thực.

Đã từng được đọc, được nghe nhiều câu chuyện kể về mùa xuân năm 1975 giải phóng Tây Ninh, rồi giải phóng Sài Gòn. Những người quan tâm tới lịch sử cũng đã biết ở Bảo tàng tỉnh có nhiều ảnh chụp về ngày giải phóng Tây Ninh, trong đó nhiều bức là của phóng viên Báo Tây Ninh Nguyễn Thế Ni (tức Hồng Thế).

Nhưng, liệu có mấy người đã biết đến những bức tranh ký hoạ của các hoạ sĩ- chiến sĩ luôn đi cùng các Đoàn quân Giải phóng. Một trong các hoạ sĩ ấy đã từng ở trong tổ Hội hoạ giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn R, nhưng luôn gắn bó với cuộc chiến đấu ở Tây Ninh chính là hoạ sĩ Võ Đồng Minh.

Từ năm 1967, được chuyển về Ban Tuyên huấn tỉnh, ông lại càng có dịp bám sát hơn những trận chiến quyết liệt của lực lượng võ trang và nhân dân tỉnh nhà. Và, người chiến sĩ cầm cọ ấy đã bằng bàn tay, khối óc kịp thời ghi nhận những hình ảnh hào hùng và cả những sinh hoạt ngày thường của chiến sĩ và nhân dân ta trên trang giấy vẽ.

Dường như mọi chiến lược chiến tranh của Mỹ mà ta lần lượt bẻ gãy đều có mặt trong tập ký hoạ tưởng chừng như còn đơn sơ ấy… Nào chia súng sau chiến thắng Tua Hai- trận mở màn Đồng khởi vũ trang, cho tới các cuộc chống càn mùa khô các năm 1965, 1966, 1967.

Và nhất là trận càn Junction City với 45.000 quân Mỹ cùng hàng ngàn xe tăng và phi pháo địch tiến vào đánh phá căn cứ Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy của cách mạng miền Nam. Cho đến mùa xuân Mậu Thân 1968 hay chiến dịch Mùa hè đỏ lửa 1972, xe Mỹ cháy rụi nằm la liệt dọc đường quốc lộ 22 đoạn Cần Đăng- Xa Mát. Xem tranh, mà như được sống lại với từng cuộc chiến đấu, từng giai đoạn hào hùng của Tây Ninh kháng chiến.

Xin điểm lại một số bức ký hoạ Võ Đồng Minh vẽ trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử diễn ra trên đất quê mình. Này đây! Bức vẽ "Tiểu đoàn 14- thuộc tỉnh đội Tây Ninh sinh hoạt chính trị trước khi vào giải phóng Tây Ninh". Chính trị viên (tôi chắc thế) gương mặt nghiêm trang, tay cầm giấy, tay kia nắm lại vung lên minh hoạ cho quyết tâm chiến thắng. Các chiến sĩ, có người còn quấn băng trên đầu, tay vẫn ôm súng đạn, mỗi người có biểu cảm gương mặt khác nhau. Nhưng tất cả đều chăm chú nghe và nét mặt tràn đầy hứng khởi.

Ở một bức khác: "Lực lượng võ trang huyện Tân Biên tiến quân vào Thị xã Tây Ninh, 26.4.1975". Ngờ ngợ, điện thoại cho hoạ sĩ hỏi lại về ngày tháng. Vì lịch sử chỉ ghi đến 29.4 ta mới làm chủ được thị xã tỉnh lỵ Tây Ninh. Nhưng, hoạ sĩ bảo không nhầm, vì khi ấy huyện Tân Biên đã được giải phóng hoàn toàn đến tận Mỏ Công, nên việc chuyển quân tới sát phố Gia Long là có thật.

Ngạc nhiên chưa! Trên các ngôi nhà hai tầng cửa hàng, cửa hiệu ấy đã phấp phới bay lá cờ sao trên nền vải hai màu và có cả vài người dân ra hè vẫy cờ chào đón. Và đây rồi, ngày giải phóng "làm chủ tình hình ở thị xã Tây Ninh" vẽ ngày 29.4.1975.

Bức ký hoạ này đặc tả hai chiến sĩ chân dép lốp, đầu đội nón tai bèo, vai đeo súng B40 và AK với đầy đủ trang bị khác trên người, có cả cái bình tong của Mỹ. Họ vừa đi vừa chuyện trò nhưng nét mặt đã điềm tĩnh và thanh thản. Đằng sau hậu cảnh là một tòa thánh thất Cao Đài.

Ở một bức khác, Võ Đồng Minh vẽ, ghi là "Tiến vào giải phóng tỉnh Tây Ninh 28.4.1975". Lúc này đã là cả một đơn vị giải phóng quân, điềm nhiên cầm chúc mũi súng đi giữa phố phường. Ba chiến sĩ đi đầu trẻ măng, gương mặt đầy vẻ ngạc nhiên nhưng phấn khởi. Nhưng, có lẽ giờ cao điểm là đây, tại bức đề ngày 29.4.1975, ghi là "D14 vào giải phóng thị xã Tây Ninh". Từng dáng người lao tới, súng giương ra trước mặt sẵn sàng đè bẹp mọi cuộc kháng cự (nếu có) của quân địch. Nhưng đường vắng tanh giữa các khối nhà im vắng. Dường như không có ai dám cản trở những bàn chân hăm hở trên các đôi dép lốp vào giải phóng quê hương.

Một hình ảnh rất cảm động mà hoạ sĩ đã bắt được và kịp ghi lại trên bức ký hoạ mang tên "Con đã về, 30.4.1975" là một chiến sĩ hoặc anh cán bộ cách mạng gặp lại mẹ ngay trong ngày đất nước vừa toàn thắng. Anh đã bỏ súng đạn, ba lô xuống để ôm choàng đôi bờ vai gầy gò của mẹ, mắt đăm đăm nhìn kỹ mặt mẹ mình. Mẹ cũng ngước lên nhìn con, vẻ còn đầy thảng thốt, ngạc nhiên như chưa tin vào hiện thực.

Nhưng! Vẫn còn một bức khiến những người am hiểu lịch sử Tây Ninh ngạc nhiên đây, thưa quý bạn. Là bức "Tiến về Sài Gòn, lính xe tăng qua đường ủi Trần Lệ Xuân, Thạnh Bình" nhưng không có đề ngày. Ngạc nhiên là bởi giải phóng Tây Ninh đâu có cần tới xe tăng.

Cho nên hình ảnh đoàn xe tăng cắm cờ giải phóng tiến trên con đường giữa rừng này, có lẽ là hình ảnh "độc nhất vô nhị" ở Tây Ninh trong chiến dịch Mùa xuân 1975. Hỏi thêm, thì tác giả cho biết: - Đấy là đoàn xe tăng đi từ phía Đồng Pan (thị trấn Tân Châu nay) sang Tân Biên, tới Hoà Hiệp rồi vòng qua Bến Cầu đi tắt đến Long An để trở thành một trong các mũi tiến công giải phóng Sài Gòn. Và như thế đất Tây Ninh cũng đã nâng đỡ những vành bánh xích xe tăng trước khi tiến vào Dinh Độc lập.

Nói thêm về hoạ sĩ, tác giả Võ Đồng Minh. Ông sinh năm 1942, nghĩa là năm 1975 mới 33 tuổi tràn đầy lửa nhiệt tình cách mạng. Từng bị địch bắt tù đày sau khi tham gia cách mạng năm 1957. Tham gia xây dựng huyện căn cứ C105 từ 1960 (nay là huyện Tân Biên) rồi đi suốt cuộc chiến tranh. Sau hoà bình, còn công tác đến 1995 mới nghỉ.

Sau 1975 các hoạ sĩ tổ Hội hoạ giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục rủ về Sài Gòn, nhưng ông ở lại. Lý do: -Đã có 16 năm chiến đấu với biết bao kỷ niệm ở miền đất Tây Ninh. Ông đã được trao tặng giải thưởng Văn học Nghệ thuật mang tên Xuân Hồng đợt đầu tiên (5 năm một lần) của tỉnh nhà vào năm 2012. Tiếc là, nhiều bức ký hoạ của ông đã được các bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh mua để giữ lại, nhưng bảo tàng Tây Ninh lại hoàn toàn không có.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây