Chính phủ luôn quan tâm, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội

Thứ hai - 27/05/2024 12:38 394 0
Sáng ngày 27/5/2024, Chính phủ tổ chức hội nghị với các Bộ, ngành và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự thảo Nghị định quy định chi tiết của Luật Nhà ở về quản lý phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị.

Đồng chí Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu Tây Ninh; tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Dự thảo Nghị định gồm 7 chương, 78 điều nhằm hướng dẫn chi tiết 18 nội dung trong Luật Nhà ở năm 2023 liên quan đến chính sách nhà ở xã hội. Trong đó, có nhiều điểm mới như: quy định về đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; chủ đầu tư của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đáng chú ý là quy định loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để cho thuê…

Đến nay, Bộ Xây dựng đã nhận được ý kiến đóng góp của 56/63 địa phương, 13/21 bộ, ngành; 13 doanh nghiệp; 8 tổ chức chính trị xã hội về nội dung dự thảo Nghị định…

Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã thảo luận, kiến nghị bổ sung, thống nhất các nội dung được đề cập trong dự thảo Nghị định, đồng thời đề nghị làm rõ một số nội dung như xác định danh mục các khu vực dự kiến phát triển nhà ở xã hội; các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở; tiêu chí để mua nhà ở xã hội…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị (Ảnh: chinhphu.vn)

Việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nhằm cụ thể hóa các nội dung đã được quy định nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển quản lý nhà ở xã hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương phối hợp, tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội một cách thống nhất, tập trung.

Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội; quan tâm đến cơ chế chính sách, xác định đối tượng chính sách xã hội và tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý Nhà nước đối với nhà ở xã hội.

          V.K

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây