Chuyển biến mạnh mẽ sau 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp

Thứ năm - 02/08/2018 09:00 51 0
Ngày 31.7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm (2013- 2017) tái cơ cấu lại nông nghiệp và đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Chiến - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Ông Trần Văn Chiến- Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Theo Sở NN&PTNT, việc cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh góp phần duy trì giá trị tăng trưởng ngành nông- lâm- thủy sản ở mức độ cao, chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nông dân.

Mặc dù sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn duy trì được tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 5 năm tiếp tục tăng trưởng, đạt 13.301 triệu USD, trong đó nhóm hàng nông sản đạt 2.583 triệu USD; riêng năm 2017 các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhóm hàng nông sản đạt mức tăng trưởng khá.

Trong giai đoạn 2013- 2017, cơ cấu cây trồng chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Giá trị sản xuất trồng trọt thực hiện đạt 19.755 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2013.

Ngành nông nghiệp cũng đã chuyển đổi mạnh một số nông sản hiệu quả thấp sang trồng các loại cây ăn trái quy mô tập trung, có giá trị kinh tế cao, đem lại giá trị tăng thêm 3-4 lần so với cây truyền thống,

Phát triển nông nghiệp sạch cũng được tỉnh chú trọng, đến nay có trên 5% nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và nhiều diện tích cây trồng được chứng nhận VietGAP như rau an toàn 17 ha, cây ăn trái 500 ha, lúa 1.986 ha. Các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP bước đầu mang lại hiệu quả, bảo đảm lợi ích của nông dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh theo mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn, chăn nuôi khép kín. Đến nay, tỷ lệ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp chiếm trên 60% so với tổng đàn, với 1.349 trang trại, gia trại.

Ngành chăn nuôi chuyển biến mạnh từ nội tiêu sang mở cửa thị trường khu vực và thế giới, mặc dù đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh bởi thịt nhập khẩu.

Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị chăn nuôi ngày càng phát triển mạnh, đối với heo thịt, gà thịt, trứng công nghiệp hiện nay đã có 50% sản phẩm liên kết sản xuất sạch, an toàn, chiếm tỷ trọng 36,7% so với giá trị ngành chăn nuôi.

Thu hoạch lúa ở xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng- Ảnh minh hoạ

Theo Sở NN&PTNT, công tác triển khai thực hiện cơ cấu lại lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, rừng được bảo vệ, phát triển ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng.

Tình trạng phá rừng, khai thác gỗ và lâm sản trái phép ngày càng được kéo giảm. Diện tích khoanh nuôi đã phát triển thành rừng đạt trên 5.500 ha; công tác giải quyết tình trạng lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp  sai mục đích được thực hiện quyết liệt, chuyển đất sang trồng rừng mới đạt 2.005 ha.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trên địa bàn tỉnh duy trì hàng năm trên 900 ha, tập trung vào cá tra với khoảng 500 ha, bước đầu tạo vùng nuôi cá tra công nghiệp gắn với nhiệm vụ chế biến xuất khẩu.

Năm 2017, tổng sản lượng thủy sản đạt 14.269 tấn, tăng gần 30% so với năm 2013; giá trị sản xuất thủy sản năm 2017 đạt 428 tỷ đồng, tăng hơn 28%; giá trị sản phẩm thu được 593 triệu đồng/ha, tăng hơn 19% so với năm 2013.

Tại hội nghị, đại diện cho các doanh nghiệp và HTX trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nêu lên một số vấn đề khó khăn về những chính sách ưu đãi trong quá trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; khó khăn trong sử dụng nguồn giống cây trồng và vật nuôi chất lượng tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu phù hợp gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Để phù hợp và đáp ứng quá trình tái cơ cấu lại các ngành hàng, các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn, tỉnh đã xác định nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái là hướng phát triển trọng tâm trong thời gian tới.

Tỉnh rà soát quy hoạch, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Trồng rau trong nhà kính trên địa bàn phường Ninh Sơn, TP.Tây Ninh - Ảnh minh hoạ

Ông Trần Văn Chiến- Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh các loại quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch sản phẩm ngành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân về Đề tái tái cơ cấu nông nghiệp; đẩy mạnh tái cơ cấu phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, định hướng  các vùng  phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với đầu tư hạ tầng.

Thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh, làm đầu tàu dẫn dắt, phát triển nông sản giá trị cao. Đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển các hình thức tổ chức. Tăng cường các biện pháp quản lý giống vật nuôi. Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Tiếp tục xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, thủy sản an toàn.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây