Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh thảo luận tại tổ |
Chiều ngày 4.11.2013, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3.12.2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, Dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Tham gia góp ý dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi). Các ĐBQH Tây Ninh cho rằng, việc ban hành Luật Hải quan (sửa đổi) là cần thiết để góp phần thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước trong tình hình mới, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động hải quan. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Hoài Phương dự thảo Luật còn một số điều, khoản chưa rõ, cụ thể như:
Dự thảo Luật còn thiếu sót khi chưa đề cập đến thủ tục hải quan đối với hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới (mới chỉ đề cập đến “Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới” tại Điều 51). Đối với hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới được quản lý hoạt động thương mại theo Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 7.11.2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các tỉnh có biên giới, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định giao nhiệm vụ cho Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức triển khai lực lượng biên phòng làm thủ tục đối với hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới tại các cửa khẩu phụ, lối mở (nơi không có lực lượng hải quan).
Thực tiễn công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh của bộ đội biên phòng hiện nay cho thấy, đối với hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới tại các cửa khẩu phụ, lối mở, sau khi được lực lượng hải quan các tỉnh cung cấp các loại mẫu biểu, hoá đơn và tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến việc tổ chức thu, nộp thuế hàng hoá mua bán, trao đổi vượt định mức thuế của cư dân biên giới, lực lượng BĐBP các tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ này ở 89 cửa khẩu phụ và hàng trăm lối mở, đường mòn được các tỉnh tiếp giáp hai bên biên giới cho phép trao đổi, mua bán hàng hoá của cư dân biên giới. Từ những phân tích trên, ĐB Phương đề nghị nên bổ sung thêm 1 điều quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới.
Về thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới, Khoản 1, Điều 93 dự thảo Luật quy định: “Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan có thẩm quyền: a) Khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật, nơi cất giấu hàng hoá, tạm giữ phương tiện vận tải, hàng hoá trong trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi cất giấu hàng hoá buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; b) Tạm giữ người, áp giải người vi phạm trong trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi vận chuyển trái phép ma tuý, vũ khí, chất nổ, tài liệu phản động và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.
Theo ĐB Nguyễn Hoài Phương, quy định như trên “vừa thừa, vừa thiếu”. Thừa vì trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định rất rõ về thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới là hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, địa bàn, thẩm quyền của hải quan thì tiến hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, không cần quy định lại trong dự thảo Luật.
Thiếu là vì, quy định như Khoản 1 thì chỉ có chức danh “Chi cục trưởng Chi cục Hải quan” là đúng với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, còn chức danh “Đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan” chưa rõ là Đội Kiểm soát thuộc “Cục Hải quan” hay Đội Kiểm soát chống buôn lậu thuộc “Tổng cục Hải quan”? Ngoài ra, chưa thấy dự thảo Luật đề cập đến chức danh “Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan”.
Các chức danh trên được quy định đều có thẩm quyền tạm giữ người, áp giải người vi phạm, khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật, nơi cất giấu hàng hoá, tạm giữ phương tiện vận tải, hàng hoá... theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng sẽ thiếu sót khi chỉ đề cập đến thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn mà chưa đề cập đến thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, cưỡng chế...
Từ những phân tích trên, ĐB Nguyễn Hoài Phương đề nghị, Khoản 1, Điều 93 của dự thảo Luật nên chỉnh sửa theo hướng: Khi phát hiện có hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan hải quan, công chức hải quan tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính”.
Theo BTNO