Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế

Thứ năm - 18/07/2024 22:33 417 0
Chiều ngày 18/07/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế 6 tháng cuối năm 2024. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Nguyễn Hồng Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh.

Các đại biểu chủ trì, tham dự Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, công tác ngoại giao kinh tế đã được Bộ Ngoại giao cùng các Bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 36 hoạt động đối ngoại Cấp cao từ đầu năm đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác.

Ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới, như phát triển ngành Halal, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào Việt Nam, như NVIDIA, Apple, Intel, Google, Inforsys, Siemens... các đoàn hàng trăm doanh nghiệp lớn từ Bắc Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản...; tranh thủ tối đa lợi thế mạng lưới 16 FTA đã ký với 60 đối tác, thúc đẩy đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện hành và tăng tốc đàm phán FTA với các đối tác mới.

Các đại biểu chủ trì và tham dự tại các điểm cầu Chính phủ, nước ngoài và các địa phương

Cùng với công tác xúc tiến đối thoại, ngoại giao, Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, cũng tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp gặp gỡ các tập đoàn nước ngoài để vận động đầu tư chất lượng cao, phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy giải quyết vướng mắc để đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Riêng tỉnh Tây Ninh đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với các tỉnh giáp biên: Svay Riêng, Prey Veng và Tboung Khmum và 01 tỉnh kết nghĩa Kampong Cham, Vương quốc Campuchia trên nhiều lĩnh vực; thiết lập quan hệ hợp tác với 02 địa phương của Hàn Quốc là thành phố Gimhae và thành phố Chungju,… Tỉnh Tây Ninh cũng đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác, đón tiếp, làm việc với đoàn công tác của các nước Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…Trong 06 tháng đầu năm 2024, thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt trên 160 triệu USD. Lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 371 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với vốn đăng ký 9.845 triệu USD.

Công nhận Vùng an toàn dịch bệnh tại tỉnh Tây Ninh và công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal

Với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh”, 6 tháng cuối năm 2024 kiên định mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phát huy đổi mới sáng tạo, phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế; tháo gỡ vướng mắc trong một số dự án; hỗ trợ kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tại nước ngoài…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, người dân, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần đưa nước ta thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hạn chế trong công tác ngoại giao kinh tế; xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2024, tập trung thực hiện “3 đột phá” chiến lược gồm: hạ tầng, thể chế, chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên cho tăng trưởng, làm mới các động lực truyền thống về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo,… lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực phát triển.

Các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài; tập trung phát triển, quảng bá, xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh, chất lượng, có khả năng cạnh tranh, mặt hàng đặc sản...

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường hợp tác đầu tư, kinh doanh; làm tốt chức năng quản lý nhà nước, định hướng sự phát triển, công tác quy hoạch; kết nối trong nước và ngoài nước, tận dụng cơ hội hợp tác để phát triển đất nước.

LN-V.K

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây