Gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế gia đình

Thứ tư - 10/05/2017 10:00 61 0
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhiều tấm gương phụ nữ nông thôn với tinh thần cần cù, chịu khó đã vươn lên làm kinh tế giỏi và đã trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhiều tấm gương phụ nữ nông thôn với tinh thần cần cù, chịu khó đã vươn lên làm kinh tế giỏi và đã trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ. Đơn cử như trường hợp của chị Lưu Thị Tuyết Mai, tổ trưởng tổ phụ nữ số 5 Chi hội phụ nữ khu phố 3, thị trấn huyện Dương Minh Châu biết vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Bằng ý chí và nghị lực của mình chị đã vượt qua khó khăn, thử thách để cùng chồng xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Ban đầu với nguồn vốn ít ỏi, chị tiết kiệm chi tiêu trong gia đình để đầu tư vào chăn nuôi heo, gia cầm, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, dần dần chị Mai đã tăng dần số lượng đàn heo, gà. Chị Mai xác định chăn nuôi là nguồn thu nhập chính cho gia đình, vì vậy chị dồn hết công sức và tâm huyết vào đó. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng chị vẫn không chán nản, bỏ cuộc. Trong quá trình chăn nuôi, chị không ngừng học tập kinh nghiệm qua các lớp học chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn phối hợp với phòng thương binh xã hội tổ chức. Ngoài ra, chị còn thêm kinh nghiệm từ sách báo, nghe đài, xem ti vi từ đó chị rút ra kinh nghiệm cho bản thân trong chăn nuôi là phải đảm bảo tốt công tác vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin định kỳ, áp dụng các hình thức chăn nuôi mới có hiệu quả cao… Từ kinh nghiệm tích lũy và thấy có hiệu quả kinh tế, những năm sau đó, với số vốn tích cóp được từ chăn nuôi  gia đình chị tiếp tục đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Với 100m2 chị mở rộng chuồng trại nuôi gà theo kỹ thuật đệm lót sinh hoc. Mới đầu thử nghiệm chị chỉ nuôi 20 con đến nay đã mở rộng quy mô lên tới 50 con. Chị Mai chia sẻ: với hình thức chăn nuôi theo cách làm mới thì đàn gà tăng trưởng rất tốt, mỗi tháng thể trọng tăng rất đều, giảm công sức dọn dẹp. Mỗi tháng chị bán lấy lời khoảng từ 500.000 đồng – 700.000 đồng.

Ngoài ra chị được hội viên có kinh tế khấm khá trong chi hội hỗ trợ cho chị một chiếc ghe làm phương tiện sản xuất, mỗi sáng chị và chồng chị thức dậy sớm cùng nhau đi đánh cá dọc theo bờ hồ Dầu Tiếng thu nhập khoảng 50.000-100.000 đồng. Chị còn theo học lớp đan ghế nhựa do Hội LHPN thị trấn phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức. Sau hơn hai tuần học tập chị nhận hàng về nhà và tranh thủ thời gian lúc rảnh rỗi để làm, mỗi cái ghế chị đan từ 2-4 ngày, chị kiếm được 100.000-200.000 đồng. Nhờ sự nỗ lực, phấn đấu kinh tế phát triển, gia đình chị đã xây được ngôi nhà khang trang, mua sắm được nhiều đồ dùng, phương tiện sinh hoạt đắt tiền, các con đều thành đạt và có việc làm ổn định. Bên cạnh đó, chị còn tích cực tham gia các hoạt động của chi hội phụ nữ khu phố, nhờ sự cần cù lao động, sản xuất giỏi nên được chị em hội viên tín nhiệm làm tổ trưởng tổ phụ nữ số 5. Tích cực học tập trau dồi kiến thức, tuyên truyền được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho các chị em hội viên trong tổ nắm và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đươc giao.

Hay như trường hợp chị Lê Thị Hiệp, phụ trách chi hội Liên hiệp Phụ nữ ấp Dinh,  xã Mỏ Công huyện Tân Biên, một tấm gương phụ nữ điển hình trong phong trào lao động sản xuất. Năm 2004, nhận thấy bánh tráng làm từ bột mì là món ăn được mọi nhà, mọi người ưa chuộng, lại dễ làm, hơn nữa ở địa phương lúc bấy giờ chưa có lò tráng bánh tráng. Tận dụng thời gian nông nhàn của gia đình, chị lên kế hoạch xây lò tráng bánh tráng tại nhà, thợ và nhân công là chị cùng các con. Sau khi liên hệ các tiệm tạp hóa gần nhà và ở chợ để tìm đầu ra cho sản phẩm, được Hội LHPN xã Mỏ Công hỗ trợ vốn vay 5 triệu, chị mạnh dạn đầu tư lò tráng bánh và được bà con xung quanh ủng hộ. Thu nhập gia đình chị được nâng lên, con cái có việc làm ổn định tại nhà.

Sau 3 năm, mức tiêu thụ sản phẩm ở các đầu ra ngày càng tăng. Lúc bấy giờ, một số địa phương đã có lò bánh tráng máy. Để vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, vừa giúp lao động địa phương, nhất là hội viên, phụ nữ có việc làm ổn định, vừa khẳng định bản thân có thể làm công việc này ở quy mô lớn hơn, sau khi tham khảo về kỹ thuật lò bánh tráng máy, năm 2007, cơ sở bánh tráng "Thành Công" ra đời với 1 lò bánh tráng máy và hơn 20 lao động, do chị và người em đồng sở hữu. Do chú trọng chất lượng và kỹ thuật nên bánh tráng "Thành Công" có mặt cả trong và ngoài tỉnh với số lượng ngày một tăng. Từ lò thủ công, lao động là người nhà, phát triển lên lò máy, quản lý hơn 20 lao động, số lượng sản phẩm tăng, phạm vi phân phối sản phẩm mở rộng, … nên lúc đầu có chút khó khăn, vất vả. Nhưng do có sự phân công quản lý, phân công lao động phụ trách từng khâu rõ ràng, cụ thể và không ngại khó của 2 chị em chị nên cơ sở nhanh chóng đi vào ổn định.

Năm 2008, khi đã vững về kỹ thuật, về điều hành, quản lý, ổn định về vốn, đủ điều kiện kinh doanh độc lập, để có thể tạo việc làm cho thêm ít nhất 20 lao động đang không có việc làm ở địa phương, đồng thời khẳng định bản thân đã có thể độc lập điều hành quản lý công việc kinh doanh ở quy mô này, 2 chị em chị Hiệp mạnh dạn tách riêng cơ sở, em chị xây dựng cơ sở mới tại nhà, chị tiếp tục điều hành, quản lý cơ sở bánh tráng Thành Công.

Nhờ chịu khó học hỏi, nắm bắt kịp thời thông tin, nhu cầu thị trường và lắng nghe ý kiến khách hàng nên cơ sở bánh tráng của chị luôn hoạt động hiệu quả, kinh tế gia đình đi vào ổn định. Hiện nay trung bình mỗi ngày cơ sở của chị sản xuất khoảng 300kg bánh thành phẩm. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, gia đình chị đã mua sắm thêm các trang thiết bị khác để phục vụ cho sản xuất, nhà cửa khang trang, đầy đủ vật dụng, tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và có điều kiện để chăm lo cho con cái. Và cũng từ mô hình này chị đã giải quyết việc làm cho 30 lao động tại địa phương, trong đó lao động nữ là 20 chị, thu nhập trung bình mỗi lao động là 3,5 triệu đồng/tháng, góp phần ổn định kinh tế gia đình.

Với vai trò là Chi Hội trưởng, bản thân chị luôn cố gắng tích cực vận động chị em, người thân trong gia đình thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Hội; vận động chị em xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tham gia các phong trào do Hội và địa phương phát động. Trong những năm qua, tuy bản thân là người có tuổi, đảm nhận nhiều công việc nhưng chị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và được Hội LHPN xã khen thưởng 10 năm liền, được Hội LHPN xã, huyện công nhận là "Phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi" 5 năm, được Trung ương Hội tặng Bằng khen "Phụ nữ sản xuất giỏi năm 2013", UBND huyện Tân Biên tặng giấy khen về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014, nhận Kỷ niệm chương "Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam" năm 2014 . Dù ở bất kỳ cương vị nào thì bản thân chị luôn cố gắng thực hiện tốt vai trò người cán bộ Hội năng nổ, nhiệt tình, một người vợ, người mẹ mẫu mực trong gia đình.

Mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, nhiều chị em phụ nữ ở Tây Ninh đã năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Ở họ toát lên phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, các chị cũng không ngại khó, ngại khổ, có ý chí làm giàu bằng chính sức lực của mình.

MN (TH)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây