Ghi nhận tại Hội thảo công tác phòng chống Lao: Nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phát hiện bệnh

Chủ nhật - 07/07/2013 00:00 159 0
Vừa qua, Sở Y tế Tây Ninh đã phối hợp với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương, Tổ chức Y tế thế giới tổ chức hội thảo vận động đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống lao, qua đó huy động sự ủng hộ tích cực, thường xuyên của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể cho hoạt động phòng chống lao tại tỉnh nhà. Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Ngọc Sỹ – Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương, Bác sĩ Trần Văn Sỹ – Phó Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh, Thạc sĩ Phạm Huyền Khanh– Đại diện Tổ chức Y tế thế giới, Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng– Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, Bác sĩ Trần Thung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khoẻ tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh tham dự buổi hội thảo.

Đoàn đại biểu làm việc tại Tổ Chống lao huyện Hoà Thành

Trong những năm qua, tình hình mắc bệnh lao của cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng luôn diễn biến phức tạp. Ước tính mỗi năm, cả nước có khoảng 180.000 người mắc bệnh lao, trong số đó có hơn 5% bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV, gần 6.000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc và trung bình, mỗi năm nước ta có trên 20.000 người chết do lao. Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và Tây Ninh được xác định là một trong những tỉnh có tỷ lệ các ca mắc bệnh lao cao nhất nước. Số bệnh nhân có vi khuẩn lao mới thu dung hằng năm tại Tây Ninh vẫn ở mức độ cao: 110 bệnh nhân/100.000 dân và lao các thể trên 205 bệnh nhân/100.000 dân. Bên cạnh đó, công tác phòng chống lao ở Tây Ninh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Để có những thông tin chính xác nhất về tình hình thực hiện công tác phòng chống lao ở Tây Ninh, trước khi bước vào hội thảo, các đại biểu đã có chuyến tham quan tại Tổ Chống lao thuộc Khoa Y tế dự phòng của Trung tâm Y tế huyện Hoà Thành. Trong thời gian qua, Tổ Chống lao huyện Hoà Thành được đánh giá là một trong những cơ sở hoàn thành khá tốt nhiệm vụ. Tổ hiện có 5 biên chế đúng theo tiêu chuẩn của tuyến huyện, bao gồm 1 bác sĩ, 1 y sĩ điều dưỡng, 1 y tá và 2 xét nghiệm viên. Nhân sự tuyến xã hiện có 8 người, trong đó có 1 bác sĩ, 2 y sĩ và 5 điều dưỡng. Từ năm 2010 đến năm 2012, Tổ đã phát hiện và thu nhận điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân lao được thu nhận điều trị mỗi năm đạt đến 120% so với kế hoạch. Tỷ lệ lành bệnh hằng năm đạt trên 90%, tỷ lệ tử vong luôn đạt ở mức cho phép.

Tiếp xúc với đoàn giám sát, Tổ Chống lao huyện Hoà Thành thẳng thắn trình bày những khó khăn, vướng mắc trong công tác như: cơ sở vật chất còn thiếu thốn, không đủ đáp ứng cho bệnh nhân; cán bộ tuyến xã thường xuyên thay đổi làm ảnh hưởng đến hoạt động của chương trình; rất ít các ban, ngành cùng tham gia công tác phòng chống lao trên địa bàn; chế độ chính sách dành cho bệnh nhân lao chưa được quan tâm hỗ trợ… Đặc biệt, Tổ cũng nêu lên một vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện công tác- đó là tình trạng các bệnh nhân lao sợ bị kỳ thị nên không đến hoặc chỉ tìm đến các cơ sở y tế ở các nơi khác để điều trị.

Theo PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, nguyên nhân khiến bệnh lao bị xã hội kỳ thị là do bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp, rất khó phát hiện tại cộng đồng và nhất là bệnh lao không miễn trừ cho bất cứ một ai. Người mắc bệnh lao cũng sẽ đối mặt với tình trạng đói nghèo do thời gian điều trị dài ngày (từ 6 – 8 tháng) dẫn đến việc thiếu hụt về kinh tế nếu như lao động chính trong gia đình bị mắc bệnh. Bên cạnh sự kỳ thị, công tác phòng chống lao ở địa phương còn gặp phải những rào cản như bệnh nhân lao nghi mắc bệnh không đi khám, nơi sống không có dịch vụ y tế,  dịch vụ y tế cơ sở không chẩn đoán được và nhất là tình trạng các đối tượng mắc bệnh nhưng không khai báo.

Tại buổi hội thảo, tất cả các thành viên đều thống nhất giải pháp hàng đầu để giải quyết khó khăn cho công tác phòng chống lao tại địa phương chính là nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phát hiện bệnh. Không có gì quan trọng bằng việc người dân tự ý thức được bệnh, sự nguy hại của bệnh đối với sức khoẻ cộng đồng và tìm đến các cơ sở y tế để được chữa bệnh. Phải giúp cho người dân hiểu rõ: bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu người bệnh kiên trì làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế và bệnh lao không phải là bệnh di truyền. Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân có thể trở lại làm việc và sinh hoạt bình thường.

Bên cạnh đó, để dẹp được những “rào cản” nêu trên, ngành Y tế cần phải khắc phục bằng cách phát triển y tế cơ sở, tăng cường năng lực chẩn đoán và truyền thông giáo dục sức khoẻ cộng đồng, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế công và tư… Thạc sĩ Phạm Huyền Khanh cho biết, công tác phòng chống lao tốt sẽ giúp giảm nguy cơ mắc lao trong cộng đồng, giúp tăng cường khả năng lao động và góp phần phát triển bền vững nền kinh tế quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo, Bác sĩ Trần Văn Sỹ – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh kêu gọi mọi người dân, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa công tác chống lao tại địa phương bằng cách: tăng cường đầu tư nguồn lực, mở rộng các đối tác tham gia công tác chống lao ở tất cả các lĩnh vực và ở tất cả các tuyến; áp dụng các kỹ thuật mới, loại thuốc mới trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao; đồng thời yêu cầu các cơ quan truyền thông phải có phương pháp tiếp cận mới để mọi người dân có thể hưởng được dịch vụ khám, chữa bệnh lao chất lượng cao.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây