Đây được cho là những động thái quyết liệt của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất trong hai tháng còn lại của 2016, đạt được mục tiêu lạm phát cả năm dưới 5%.
Lạm phát có nguy cơ tăng cao trong 2 tháng còn lại của năm 2016. |
Giám sát chặt giá các mặt hàng thiết yếu
Theo nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách nhà nước; tích cực đôn đốc,
mở rộng cơ sở thuế và thu hồi nợ đọng thuế; kiểm tra, kiểm soát chặt
chẽ việc kê khai giá tính thuế. Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất
là chi thường xuyên và sử dụng tài sản công.
Bộ phải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đúng
giá trị quyền sử dụng đất theo cơ chế thị trường khi thực hiện đấu giá,
sắp xếp lại các cơ sở nhà đất của các cơ quan, đơn vị, cổ phần hóa doanh
nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành theo dõi sát giá
cả các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp điều hành phù hợp, kiểm soát
lạm phát trong phạm vi Quốc hội giao; không tăng giá điện, giá dịch vụ y
tế trong hai tháng còn lại của năm 2016.
Cùng với đó tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại
dịp cuối năm. Phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh
nghiệp, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về cổ phần hóa,
tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong tháng 11 năm 2016.
Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và thế giới;
đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu;
chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu; nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng
xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước; đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có
tiềm năng xuất khẩu lớn. Tích cực đàm phán với các nước nhập khẩu có
liên quan để tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị
trường ASEAN. Chủ trì triển khai các chính sách, biện pháp phát triển
công nghiệp hỗ trợ.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các hiệp định thương mại tự
do mà Việt Nam tham gia để người dân và doanh nghiệp nắm bắt và có kế
hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Thực hiện các giải pháp bảo đảm hàng
hóa thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá trong dịp cuối năm
và Tết Nguyên đán; phối hợp với các địa phương đẩy mạnh triển khai
chương trình bình ổn giá; chú trọng phát triển hệ thống bản lẻ trên toàn
quốc, trước hết là các đô thị.
Bộ Công Thương cũng phải chủ động xây dựng, có phương án, kế hoạch cụ
thể bảo đảm năng lượng quốc gia, điện năng cho phát triển kinh tế - xã
hội trong những năm tới, đặc biệt là bảo đảm cung cấp điện cho các tỉnh
phía Nam. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình cấp bách, trọng
điểm của ngành điện. Triển khai xây dựng và hoàn thiện các đề án tái cơ
cấu theo từng lĩnh vực của ngành công thương, báo cáo Thủ tướng trong
tháng 12/2016.
Tiếp tục giảm phí BOT
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển
khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm và chuẩn bị các dự án
mới; nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù về quản lý, thực hiện đầu tư các
nút giao thông quan trọng trên địa bàn thành phố Hà Nội và Tp.HCM, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chuẩn bị
phương án bảo đảm phương tiện vận tải phục vụ nhân dân dịp Tết Dương
lịch và Tết Nguyên đán. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo tiếp
tục giảm phí BOT tối thiểu ở 19 trạm thu phí trong năm 2016.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan
tổ chức Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát
triển sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp
cuối năm, Tết Nguyên đán và phục vụ xuất khẩu. Tăng cường kiểm tra,
thanh tra việc sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi. Chủ trì,
phối hợp với Bộ Công Thương mở đợt kiểm tra, xử lý thuốc bảo vệ thực
vật, phân bón giả.
Bên cạnh đó, theo dõi sát tình hình thời tiết để chỉ đạo điều chỉnh thời
gian gieo cấy, sản xuất của từng vùng hợp lý, chủ động tránh đợt cao
điểm rét đậm, rét hại, hạn hán và xâm nhập mặn.
Bộ Nông nghiệp phải tập trung xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và bảo
đảm ổn định thị trường gạo. Nâng cao công tác bảo vệ và phát triển rừng,
kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, đặc biệt là quản lý chặt chẽ việc sử
dụng diện tích đất trồng rừng ở Tây Nguyên. Rà soát, bổ sung kế hoạch
phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016 -
2020 trên cơ sở Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 được
Quốc hội thông qua.
Theo BTNO