Học tập và làm theo Bác: Phải gắn với xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam

Thứ hai - 18/07/2016 10:00 47 0
Chỉ thị 05 yêu cầu phải làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá con người Việt Nam; làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn nội dung, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ngày 15.5.2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW (Chỉ thị 05) của Bộ Chính trị (khoá XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ thị 05 yêu cầu phải làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá con người Việt Nam; làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn nội dung, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Xung quanh vấn đề trên, ông Phạm Hùng Thái– Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã dành cho phóng viên Báo Tây Ninh cuộc trả lời phỏng vấn sau đây.

 

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân và Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái (trái) trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.

PV: -Xin ông cho biết những nội dung cơ bản của Chỉ thị 05!

Ông Phạm Hùng Thái: -Chỉ thị 05 là sự tiếp nối Chỉ thị 03-CT/TW (Chỉ thị 03) của Bộ Chính trị (khoá XI), với nội hàm rộng hơn, sâu sắc hơn, nhằm làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác được đẩy mạnh và đạt hiệu quả thiết thực. Nội dung cơ bản Chỉ thị 05 đề cập 6 vấn đề như sau:

Một, nhấn mạnh mục đích của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, trong hệ thống chính trị và nhân dân; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ Đảng, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Hai, xác định rất rõ nội hàm của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đó là hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh; các quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh. Những nội dung trên đã được quán triệt rất nhiều trong Chỉ thị số 03. Về học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 05/TW có nhấn mạnh: đó là phong cách về tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, làm việc tới nơi, tới chốn; ứng xử văn hoá, tinh tế, nhân văn, yêu dân, trọng dân, gần dân, vì dân; nói đi đôi với làm, nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; sống thanh cao, trong sạch, giản dị, tự mình nêu gương…

Ba, về phương pháp thực hiện, Chỉ thị nêu rõ, cần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của cấp uỷ và nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hằng năm.

Bốn, về phương châm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị, Bộ Chính trị xác định: “trên trước, dưới sau”; “trong trước, ngoài sau”; “học đi đôi với làm theo”, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể; kết hợp giữa “xây” với “chống”; xây dựng hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ.

Năm, yêu cầu tiếp tục chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và các học viện, trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, bảo đảm phù hợp với từng cấp học, bậc học và với yêu cầu giáo dục, đào tạo.

Cuối cùng, về công tác tổ chức thực hiện, Chỉ thị 05 xác định: việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do cấp uỷ các cấp, trực tiếp là ban thường vụ cấp uỷ, đồng chí bí thư cấp uỷ chỉ đạo.

PV: -Theo ông, Chỉ thị 05 có những điểm mới như thế nào so với Chỉ thị 03?

Ông Phạm Hùng Thái: -So với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khoá XI), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khoá XII) có 8 điểm mới như sau:

Thứ nhất, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị xác định: đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Suốt nhiệm kỳ khoá XI, việc thực hiện Chỉ thị 03 được coi là giải pháp hàng đầu trong nhóm giải pháp về công tác chính trị tư tưởng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Việc xác định “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng” đã nhấn mạnh hơn nữa về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của việc học Bác đối với công tác xây dựng Đảng một cách toàn diện, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, chứ không chỉ giới hạn trong nhóm giải pháp về chính trị tư tưởng.

Thứ hai, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị yêu cầu phải làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phải làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời, phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ ba, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị nhấn rất mạnh vai trò của “người đứng đầu”. Ngay khi xác định mục đích, yêu cầu, Chỉ thị đã nêu rõ: phải “xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ”. Trong số những phương châm thực hiện Chỉ thị, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “trên trước, dưới sau”; “trong trước, ngoài sau”, trong đó, rất quan trọng là phải đề cao trách nhiệm nêu gương tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ tư, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị yêu cầu gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, nhấn mạnh: gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Thứ năm, Bộ Chính trị lần này đặc biệt yêu cầu gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Bộ Chính trị không chỉ dành riêng một nội dung để yêu cầu về công táo giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân và các học viện, trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, mà còn chỉ rõ từng nội dung cần đưa vào chương trình để bảo đảm phù hợp với từng cấp học, bậc học và với yêu cầu giáo dục, đào tạo.

Thứ sáu, Bộ Chính trị khoá XII yêu cầu rất cao về việc gắn “xây” với “chống”; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm và cả nhiệm kỳ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Thứ bảy, Bộ Chính trị rất quan tâm đến vấn đề xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ. Chỉ thị 05 yêu cầu: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ. Cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp là nơi thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, là nơi dễ xảy ra quan liêu, tiêu cực, tham nhũng. Vấn đề xây dựng những chuẩn mực trong thực thi công vụ cũng như xác định trách nhiệm, nghĩa vụ, thẩm quyền của cán bộ, công chức là vô cùng quan trọng và cấp bách. 

Thứ tám, trong Chỉ thị 05 không giới hạn thời gian thực hiện, như trong các Chỉ thị 06-CT/TW khoá X và Chỉ thị 03 khoá XI, trong đó, đều xác định việc thực hiện chỉ thị để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc nhiệm kỳ khoá X và khoá XI. Lần này, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành một Chỉ thị rộng hơn về nội hàm, cao hơn về yêu cầu và lâu dài hơn về thời gian.

PV:- Ông có thể cho biết, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 tại Tây Ninh sẽ được tiến hành như  thế nào?

Ông Phạm Hùng Thái: -Việc học tập và làm theo Bác trong Đảng và xã hội là một công việc liên tục, lâu dài, xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng qua mỗi thời kỳ, là tình cảm thiêng liêng của cán bộ, đảng viên, nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu. Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Trong thời gian tới, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 sẽ được tiến hành như sau:

Trước tiên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức Đảng các cấp tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị 05 cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ, qua đó nhận thức đúng những nội dung cơ bản theo tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị.

Khi Trung ương ban hành kế hoạch thực hiện, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện của Tỉnh uỷ và có hướng dẫn thực hiện Chỉ thị một cách cụ thể.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần của Chỉ thị số 05 sẽ do cấp uỷ các cấp, trực tiếp là ban thường vụ cấp uỷ, đồng chí bí thư cấp uỷ chỉ đạo; ban tuyên giáo các cấp là cơ quan giúp cấp uỷ chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị và tuyên giáo, tuyên huấn các ngành, các đoàn thể giúp cấp uỷ và lãnh đạo các ngành, đoàn thể cùng cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị.

PV:- Xin cảm ơn ông đã dành cho Báo Tây Ninh cuộc trò chuyện này!

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây