Toàn cảnh buổi hội thảo
Tham gia Hội thảo có đại diện các sở, ngành có liên quan, đại diện lãnh đạo UBND, UBMTTQ, phòng lao động các huyện, thành phố, UBND 9 xã điểm nông thôn mới và các cơ sở dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2011 đến tháng 6/2015, tổng số lao động nông thôn tham gia học nghề trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 25.134 người, trong đó 1.734 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác khó khăn về kinh tế. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 74,2% .
Theo đánh giá của Hội đồng giám định xã hội thuộc Liên Hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một hệ thống tổ chức chỉ đạo hoàn chỉnh từ tỉnh đến huyện, xã để triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2015. Cấp ủy, UBND huyện, thành phố đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án, hầu hết các huyện chỉ đạo rất sát sao, linh hoạt, hiệu quả. Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, nhất là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã tích cực góp phần thực hiện Đề án có hiệu quả. Nhận thức của cán bộ làm công tác dạy nghề được nâng cao, hiểu biết được tầm quan trọng của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2011-2014, đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo điều kiện cho lao động nông thôn tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm; sau đào tạo ở một số nghề đã có hiệu quả rõ rệt, người lao động biết áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, năng suất cây trồng, vật nuôi tăng lên, lao động nông thôn tận dụng được thời gian nông nhàn để sản xuất, một số hộ dân đã thoát nghèo (nuôi bò, nuôi gia cầm, đan lát…).
Tại hội thảo, đại diện các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, địa phương và cơ sở dạy nghề đã trình bày bài tham luận của mình liên quan việc thực hiện Đề án đạo tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
TH-Minh Tuyết