Hội xuân núi Bà Đen năm Bính Thân - 2016: Hoạt động dịch vụ phục vụ lễ hội chu đáo hơn năm trước

Thứ hai - 15/02/2016 09:00 67 0
Hằng năm, cứ mỗi dịp xuân về, Khu di tích lịch sử văn hoá- danh thắng và du lịch núi Bà Đen thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Mùng 4 tết Bính Thân bắt đầu vào mùa lễ hội, nơi đây hết sức tấp nập, nhộn nhịp với hàng trăm ngàn lượt khách đến. “Trẩy hội mùa xuân”, việc tổ chức phục vụ lễ hội, nhất là các hoạt động dịch vụ ăn uống, đi cáp treo lên chùa Bà… luôn luôn là vấn đề quan tâm của du khách. Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Tây Ninh đã hoà theo dòng người đông đúc viếng núi ngày xuân.

 

Hàng trăm ngàn người viếng núi Bà Đen trong những ngày tết. Ảnh: Đại Dương

Đi cáp treo xếp hàng như nêm

Khoảng hơn 9 giờ ngày mùng 4 tết (11.2.2016), sau khi mua vé vào cổng khu du lịch, chúng tôi định đi ô tô điện vào khu vực ga cáp treo, nhưng nhân viên thông báo tạm ngưng bán vé 15 phút, lý do: khách đông quá xe ô tô điện rước khách không kịp. Thế là chúng tôi quyết định đi bộ.

Vừa đi vừa quan sát, chúng tôi nhận thấy, tuy lượng du khách đi bộ, leo núi lên chùa Bà khá đông, nhưng lượng du khách đến khu vực cáp treo lên chùa Bà cũng đông đúc không kém. Việc mua vé đi cáp treo (160.000đ/vé người lớn, 90.000đ/vé trẻ em – hai lượt lên và xuống) khá thuận lợi, không phải chờ đợi lâu. Tuy nhiên, việc xếp hàng chờ đợi vào khu vực nhà ga cáp treo lại… khá lâu. Tôi và một nhóm du khách từ TP. Hồ Chí Minh đến khu cáp treo cũ xếp hàng. Một người khách than thở: “Xếp hàng như thế này, không biết bao giờ mới đi được”. Một nhân viên bảo vệ đứng gần nói: “Bên cáp treo mới đi nhanh hơn”. Nghe vậy, tôi và nhóm du khách ở TP.Hồ Chí Minh cùng nhau tìm đến khu vực cáp treo mới.

Thật ra, do khách xếp hàng chờ đi cáp treo quá đông, nên khó mà nói đi cáp treo cũ hay cáp treo mới nhanh hơn. Từ khi bắt đầu xếp hàng, rồi nhích dần, nhích dần… mất hơn 30 phút, chúng tôi mới tiếp cận với nhân viên soát vé để vào ga cáp treo. Vào phía trong, lại mất khoảng 10 phút nữa khách mới “lọt” vào ca-bin cáp treo lên chùa Bà. Rõ ràng, mất đến hơn 40 phút mới được đi cáp treo cho một chuyến lên núi, viếng chùa là không thoải mái chút nào.

 

 Xếp hàng chờ lên ca-bin cáp treo.

Sau khi viếng chùa, cúng Bà, nếu khách muốn xuống núi bằng máng trượt, cũng phải chờ từ 15-20 phút mới có thể được ngồi vào máng. Do mỗi máng trượt chỉ chở được 2 người nên việc tổ chức cho khách xuống núi không thể làm nhanh. Bởi lẽ nhân viên nơi đây phải hướng dẫn du khách điều khiển xe máng trượt thật tỉ mỉ, để bảo đảm du khách có thể xuống núi bằng cách tự điều khiển máng trượt an toàn. Thật ra, việc điều khiển máng trượt không khó lắm, du khách sử dụng cần hãm phanh, kéo cần về phía thân mình là máng trượt sẽ giảm tốc độ theo ý muốn. Theo quan sát của chúng tôi, suốt lộ trình xuống núi bằng máng trượt, trên từng đoạn đường đều có nhân viên trực quan sát để hướng dẫn du khách. Hai bên đường máng trượt đều có lưới bảo vệ, đề phòng tai nạn.

Dịch vụ kinh doanh ăn uống được tổ chức tốt hơn

Tại khu vực chân núi, chúng tôi hỏi thăm một du khách, chị Trần Thị Hương– ngụ ở TP.HCM và được chị cho biết, chị vào một quán nước, uống một ly đá chanh, nhân viên thu 10.000đ. Trong khi đó, các du khách khác ăn cơm, giá từ 25.000đ - 30.000đ/đĩa. Nước suối đóng chai (Vĩnh Hảo, Aquafina) du khách mua với giá 10.000đ/chai, bia lon (333, Heineken) giá từ 15.000đ – 20.000đ/lon. Ở khu vực sườn núi, các quán bán nước giải khát giá cao hơn từ 2.000đ đến 3.000đ/chai. Nhìn chung, du khách nhận xét, giá bán các nước giải khát, cơm đĩa tại khu một khu du lịch nổi tiếng như thế là “chấp nhận được”.

Ông Phạm Văn Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch - Thương mại Tây Ninh cho biết, công tác tổ chức lễ hội năm nay, nhất là các hoạt động dịch vụ được công ty chuẩn bị chu đáo hơn năm trước. Trước ngày vào lễ hội, công ty tổ chức hội nghị khách hàng, xác định rõ giá cả phù hợp cho từng khu vực buôn bán. Cụ thể, tại khu du lịch, việc kinh doanh buôn bán được phân chia làm hai nhóm. Nhóm kinh doanh suốt năm có 202 hộ, giá mặt bằng thấp nhất 6 triệu đồng (5,3m x 4m), trung bình 10 triệu đồng (5m x 6m), cao nhất là 120 triệu đồng (20,5m x 14,5m); nhóm kinh doanh tháng hội Xuân có 191 hộ, giá thấp nhất 2,5 triệu đồng, trung bình 6 triệu đồng, cao nhất 12 triệu đồng. Việc triển khai, thoả thuận, ký hợp đồng đều được các hộ đồng tình cao, không xảy ra thắc mắc, khiếu nại. Bên cạnh đó, việc cung ứng hàng hoá cho các hộ kinh doanh cũng được tổ chức “thoáng hơn” năm trước. Các mặt hàng chủ lực như nước suối, nước ngọt, bia được công ty cung cấp, bảo đảm tương đối sát giá thị trường ngoài khu du lịch. Các ngành hàng không do công ty cung cấp, công ty chỉ giới thiệu các đơn vị có uy tín, hai bên tự thoả thuận giá cả. Công ty cũng buộc các hộ kinh doanh bán giá theo quy định, bảo đảm có lãi (nước suối Vĩnh Hảo, Aquafina từ 9.000đ đến 11.000đ tuỳ khu vực chân núi và sườn núi), không được “chặt chém”. Các hộ kinh doanh đều phải có bảng niêm yết giá, có 3 số điện thoại đường dây nóng để du khách phản ánh khi các hộ kinh doanh bán không đúng giá.

 

 Khu vực dịch vụ phục vụ ăn uống được bố trí lịch sự, chu đáo hơn.

Ông Hải cũng cho biết thêm, để bảo đảm việc đưa đón khách ra vào từ cổng đến chân núi, khu vực cáp treo, công ty đầu tư trang bị mua mới 15 chiếc ô tô điện (14 chỗ ngồi) trị giá 4,3 tỷ đồng và đại tu 10 xe ô tô điện (600 triệu đồng). Đối với hệ thống cáp treo, ông Phạm Văn Vân– Phó Trưởng Phòng Kinh doanh - Công ty CP Cáp treo Núi Bà cho biết, dịch vụ đưa khách lên khu vực chùa Bà có 2 hệ thống cáp treo và 1 hệ thống máng trượt. Hệ thống cáp treo mới có 46 ca-bin, mỗi ca-bin chứa tối đa 8 người. Hệ thống cáp treo cũ có 180 ca-bin, mỗi ca-bin chứa 2 người. Riêng hệ thống máng trượt (mỗi máng trượt 2 người), không chỉ du khách trượt xuống, mà còn có thể kéo lên, với thời gian khoảng 15 phút. Công tác tổ chức hệ thống cáp treo được công ty tổ chức chặt chẽ, du khách phải xếp hàng theo thứ tự, dưới sự hướng dẫn của nhân viên công ty để việc lên xuống ca-bin cáp treo được an toàn. Theo ông Vân, trong trường hợp du khách quá đông, nhất là ở khu vực chùa Bà, công ty sẽ tạm thời ngưng bán vé đưa khách lên khoảng 10 - 15 phút. Khi lượng du khách trên chùa Bà giảm, công ty sẽ tiếp tục đưa khách lên nhằm bảo đảm an toàn.

Hoạt động mạnh, doanh thu tăng và... không phức tạp như năm trước

Sau chuyến tham quan thực tế, chúng tôi tiếp xúc với quyền Tổng Giám đốc Công ty Du Lịch - Thương mại Tây Ninh Trần Anh Minh và được ông cho biết, tính đến ngày mùng 6 tết Bính Thân (ngày 13.2.2016), Khu di tích lịch sử văn hoá- danh thắng và du lịch núi Bà Đen đã đón 617.747 lượt khách tham quan, tăng 102,92% so cùng kỳ năm 2015; doanh thu bán vé là 9 tỷ 444 triệu đồng. Về hệ thống cáp treo, từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 6 tết, hệ thống cáp treo đã đưa 212.554 lượt khách (so với cùng thời gian năm 2015 là 182.600 lượt) tăng 116,40%, doanh thu gần 22 tỷ đồng.

Hy vọng, với sự chuẩn bị khá chu đáo các hoạt động dịch vụ trong mùa lễ hội Xuân Bính Thân 2016 của Công ty Du lịch - Thương mại Tây Ninh, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các đơn vị liên quan trong tỉnh, mùa lễ hội Xuân Bính Thân sẽ thực sự vui tươi, an toàn, và quan trọng nhất là làm hài lòng du khách khắp nơi khi viếng thăm Tây Ninh.

 

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây