Hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người

Thứ năm - 02/10/2014 00:00 79 0
Theo Luật phòng, chống mua bán người, Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tôn trọng độc lập, chủ quyền.

 

Trên cơ sở các quy định của Luật này và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện việc hợp tác với các cơ quan hữu quan của các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc tăng cường năng lực pháp luật, thông tin, công nghệ và đào tạo về phòng, chống mua bán người.

Việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan của Việt Nam với các cơ quan hữu quan của nước ngoài để giải quyết vụ việc về mua bán người thực hiện theo quy định của các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trong trường hợp Việt Nam và nước có liên quan không cùng tham gia điều ước quốc tế thì các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện việc hợp tác quốc tế trên nguyên tắc có đi có lại, phù hợp với pháp luật của Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế.

Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để các cơ quan chức năng của Việt Nam hợp tác với các cơ quan hữu quan của nước ngoài trong việc giải cứu, bảo vệ nạn nhân bị mua bán.

Nhà nước còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc hồi hương nạn nhân là người nước ngoài trở về nước mà người đó có quốc tịch hoặc có nơi thường trú cuối cùng; áp dụng các biện pháp để việc hồi hương nạn nhân được tiến hành theo đúng pháp luật và thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam với các nước, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

Về tương trợ tư pháp, quan hệ tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước có liên quan được thực hiện trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó cùng là thành viên hoặc trên nguyên tắc có đi có lại phù hợp với pháp luật của Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế. Nhà nước Việt Nam dành ưu tiên cho nước ký kết điều ước quốc tế song phương với Việt Nam sự tương trợ tư pháp trong hoạt động phòng, chống mua bán người.

Theo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, tại Việt Nam, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người diễn ra phức tạp ở 63 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu trên tuyến biên giới: Việt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Campuchia; Việt Nam - Lào và đang có xu hướng gia tăng, quốc tế hóa. Ở Việt Nam, không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em mà cả mua bán đàn ông, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê… Việt Nam vừa là địa bàn phạm tội, vừa là địa bàn trung chuyển đi các nước thứ 3. Đối tượng phạm tội có thể là người nước ngoài, hoặc những người từng là nạn nhân.

            Hoàng Mai

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây