Giám sát nước thải bằng hệ thống máy móc tự động ở KCN Phước Đông. |
Theo Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG, chủ đầu tư Khu liên hợp Phước Đông - Bời Lời (bao gồm Khu công nghiệp Phước Đông), từ năm 2011 đến nay, KCN Phước Đông được quy hoạch 1.015 ha (700 ha đất thương phẩm) và đã cho 15 dự án thuê đất với diện tích hơn 406 ha. Có 13 dự án đã được cấp phép đầu tư với diện tích gần 258 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,7 tỷ USD và 20 tỷ đồng.
Trong KCN Phước Đông đã hình thành phân khu dệt may và công nghiệp hỗ trợ- một ngành nhạy cảm về môi trường với diện tích 327 ha. Tính đến tháng 7.2014, phân khu này đã thu hút được 6 nhà đầu tư thuê gần hết diện tích đất của phân khu, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 1,2 tỷ đồng.
Đại diện Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG cho biết, với quan điểm phát triển ngành dệt may theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, Công ty chủ trương thu hút đầu tư có tính chọn lọc, chủ yếu mời gọi các doanh nghiệp lớn, có uy tín, tiềm lực về tài chính, có nhu cầu thuê diện tích đất rộng. Do đó dù số doanh nghiệp thuê đất không nhiều nhưng lại nhanh lấp đầy các dự án ở phân khu.
Cụ thể như dự án của Công ty TNHH Brotex có diện tích 100 ha, vốn đầu tư gần 400 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Gain Lucky có diện tích 84 ha, vốn đầu tư 300 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Unisoll Fabric có diện tích 30 ha, vốn đầu tư 200 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Ilshin có diện tích 22 ha, vốn đầu tư 177 triệu USD…
Bể chứa nước thải đang được xử lý. |
Việc các nhà đầu tư lớn nhanh chóng triển khai các dự án đã tác động tích cực đến quá trình đầu tư, phát triển của toàn KCN Phước Đông cũng như các yếu tố kinh tế - xã hội ở địa phương. Dự kiến, doanh số xuất khẩu của KCN Phước Đông năm 2014 là 275 triệu USD, năm 2015 là 700 triệu USD và năm 2016 là 1,2 tỷ USD.
Năm 2014, theo dự kiến toàn Khu liên hợp Phước Đông - Bời Lời nộp ngân sách tỉnh 350 tỷ đồng, năm 2015 nộp 650 tỷ đồng và năm 2016 nộp 1.000 tỷ đồng. KCN Phước Đông cũng đã tạo việc làm cho hơn 17.000 lao động (trong đó có hơn 12.000 lao động là người địa phương). Bên cạnh đó, có khoảng 6.000 lao động xây dựng tại các công trình trong khu và nhiều lao động từ các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của công nhân quanh KCN.
Tuy nhiên, công nghiệp dệt may là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao (chỉ sau ngành công nghiệp xi mạ). Do đó, phát triển ngành dệt may hiệu quả nhưng không gây ô nhiễm môi trường và đạt yêu cầu thân thiện môi trường là một bài toán khó. Nếu không thực hiện nghiêm túc, không bảo đảm vấn đề môi trường thì tác động tiêu cực từ ngành dệt may đối với xã hội là rất lớn và hậu quả sẽ rất nặng nề.
Ông Trần Ngọc Nhân- Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG khẳng định: “Việc xử lý môi trường nước thải từ phân khu dệt may và công nghiệp hỗ trợ trong KCN Phước Đông hiện được Công ty chúng tôi tiến hành kiểm soát chặt chẽ bằng hệ thống quan trắc tự động.
Đồng thời, chúng tôi thiết kế van đóng - mở tại đầu dẫn nguồn nước thải từ nhà máy của doanh nghiệp vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Nhân viên của chúng tôi túc trực kiểm soát quá trình xử lý nước thải qua máy tính và qua giám sát thực tế suốt ngày đêm. Nếu phát hiện có dấu hiệu nước thải từ nhà máy của doanh nghiệp chưa được xử lý đúng quy định, chúng tôi sẽ lập tức khoá van xả, không cho doanh nghiệp đưa nước thải vào hệ thống xử lý chung và có giải pháp xử lý thích hợp”.
Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG đã xây dựng hoàn chỉnh nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 5.000m3/ngày đêm, thừa sức xử lý lượng nước thải từ các doanh nghiệp trong khu xả ra hiện nay. Nước thải sau xử lý từ nhà máy này đạt tiêu chuẩn cột A theo quy định. Sắp tới, khi có thêm các dự án đi vào hoạt động, KCN Phước Đông sẽ tiếp tục được đầu tư thêm nhà máy xử lý nước thải với công suất dự kiến 10.000 m3/ngày đêm.
Phân tích mẫu nước thải ở KCN Phước Đông. |
Tuy nhiên, chúng tôi không khỏi băn khoăn, bởi vì dù KCN Phước Đông có nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định, có công nghệ hiện đại, có quy trình xử lý nước thải chặt chẽ nhưng nước thải sau khi xử lý lại được xả ra suối cạnh KCN. Từ suối này, nước thải đổ ra rạch cầu Bến Đò rồi ra sông Vàm Cỏ Đông.
Khu vực hạ du của con suối là khu vực dân cư, là đất nông nghiệp, là sông rạch gắn liền với nguồn lợi thuỷ sản… Nếu nhà máy xử lý gặp sự cố kỹ thuật thì lượng nước thải xả ra hằng ngày sẽ được xử lý ra sao, liệu có để xảy ra tình trạng nước thải chưa xử lý đạt tiêu chuẩn quy định “thất thoát” ra môi trường hay không?
Vấn đề này, một kỹ sư phụ trách môi trường của KCN Phước Đông thừa nhận: việc xử lý nước thải ngành công nghiệp dệt may và công nghiệp hỗ trợ không đơn giản. Để không gây ô nhiễm môi trường, khâu xử lý nước thải phải bảo đảm nhiều yếu tố như máy móc công nghệ hiện đại, vận hành đúng quy trình và liên tục...
Yếu tố quan trọng có tính chất quyết định chính là ý thức trách nhiệm của con người. Do đó, Công ty đặc biệt quan tâm đào tạo và bố trí nhân lực phục vụ công việc xử lý nước thải ở KCN Phước Đông gắn liền với trách nhiệm cao độ.
Nhân viên kỹ thuật vận hành, theo dõi hệ thống xử lý nước thải kết hợp với máy móc sẽ giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu trong nước thải. Nếu có sự cố xảy ra, ngay lập tức hệ thống quan trắc tự động sẽ báo ngay về trung tâm điều khiển và nhân viên vận hành sẽ đóng van xả. Do đó, nước thải không thể chảy ra bể lắng để từ đó ra môi trường.
Theo BTNO