Trong những năm qua, các cơ quan nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về việc quản lý tài sản công, trong đó có tài sản là công sở của các cơ quan nhà nước. Các quy định này đã phát huy hiệu quả, tăng tính chủ động của đơn vị trong việc quản lý, sử dụng công sở, trụ sở làm việc đúng mục đích, đáp ứng yêu cầu về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí tài sản nhà nước.
Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều địa phương sử dụng nhiều nhà, đất trụ sở làm việc chưa đúng mục đích như cho thuê, cho mượn, làm nhà ở... Trong khi đó hệ thống công sở của một số địa phương vẫn còn thiếu bất cập như diện tích làm việc còn thiếu, không đồng bộ, nhiều trụ sở đã xuống cấp chưa được sửa chữa cải tạo...
Xây dựng phương án đầu tư khu hành chính tập trung với địa phương có đủ điều kiện
Tại Chỉ thị 1073/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, đặc biệt rà soát lại hệ thống công sở các cơ quan hành chính nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hệ thống công sở còn nằm rải rác, chưa đủ điều kiện làm việc và chất lượng công sở bị xuống cấp thì chủ động sắp xếp, cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức. Đối với các địa phương có đủ điều kiện thì xây dựng phương án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét về chủ trương đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung.
Khu hành chính tập trung phải bảo đảm mục tiêu làm việc liên hoàn, giao dịch thuận lợi
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã có Nghị quyết 17-NQ/TW ngày 1/8/2007 về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, để thực hiện yêu cầu "quy hoạch và xây dựng công sở theo hướng tập trung và từng bước hiện đại, có đủ điều kiện và phương tiện làm việc, tạo thuận lợi cho người dân khi đến liên hệ giải quyết công việc". |
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, khu hành chính tập trung phải đáp ứng mục tiêu, yêu cầu hiện đại hóa công sở; bảo đảm mục tiêu làm việc liên hoàn với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại; là địa điểm làm việc, giao dịch thuận lợi cho các cơ quan nhà nước và đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc của người dân.
Bên cạnh đó, vị trí lựa chọn để xây dựng khu hành chính tập trung phải phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thiết kế kiến trúc, xây dựng công trình tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch và xây dựng; tùy theo điều kiện về địa hình, khí hậu và đặc điểm địa chất, kiến trúc của từng vùng, miền để nghiên cứu phương án bảo đảm tiết kiệm quỹ đất và chi phí vận hành.
Đồng thời, khu hành chính tập trung được bố trí là nơi làm việc của các cơ quan quản lý hành chính cấp tỉnh. Tùy theo tình hình thực tế ở địa phương có thể bố trí trong khu hành chính tập trung là khu làm việc của các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị-xã hội. Bên cạnh khu hành chính tập trung hình thành khu dịch vụ công (các đơn vị sự nghiệp công lập, trung tâm y tế, các khu thể thao...).
Lựa chọn hình thức huy động vốn đầu tư khu hành chính tập trung
Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn các hình thức huy động vốn đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực hiện có.
Trường hợp sử dụng nguồn tiền bán tài sài trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các công sở cũ thì phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất các công sở hiện tại để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung; thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao theo quy định của pháp luật để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung.