Hiện trạng môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh: Cần khai thác hợp lý nguồn tài nguyên, ưu tiên bảo vệ môi trường

Thứ sáu - 30/10/2015 08:00 146 0
Hiện trạng môi trường tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2015 xác định những nguyên nhân, tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, dự báo diễn biến môi trường, đồng thời làm rõ thực trạng và những tồn tại trong công tác quản lý, cung cấp cơ sở thực tiễn để xem xét tác động qua lại giữa phát triển kinh tế xã hội với môi trường, tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

lamdep.jpg

Tăng cường vệ sinh đường phố, góp phần vào công tác bảo vệ môi trường.

Thời gian vừa qua, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được UBND tỉnh Tây Ninh quan tâm, chỉ đạo. Nhiều chương trình, dự án về bảo vệ tài nguyên và khắc phục ô nhiễm môi trường được triển khai nên chất lượng môi trường ngày càng được cải thiện tốt hơn. Hơn hết, nguồn kinh phí đầu tư cho sự nghiệp môi trường được bố trí 1% tổng chi ngân sách của tỉnh và gia tăng hàng năm, ngoài ra, các nguồn thu từ thuế, phí cũng góp phần phục vụ tốt hơn cho công tác bảo vệ môi trường. Chỉ tính riêng trong năm 2015, tỉnh Tây Ninh dành nguồn kinh phí gần 50 tỷ đồng cho sự nghiệp bảo vệ môi trường nhằm giải quyết cơ bản các "điểm đen" về ô nhiễm còn tồn tại trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung kiểm soát triệt để ô nhiễm trên các kênh, rạch thuộc lưu vực sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và hồ Dầu Tiếng.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, hiện nay, chất lượng môi trường ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã bị suy giảm đáng lo ngại. Trong đó, phải kể đến là nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm do chất thải... mà đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT), hoạt động làng nghề và rác thải sinh hoạt. Trên thực tế, ô nhiễm môi trường bao gồm 3 loại chính: ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường không khí và ô nhiễm môi trường đất. Các thành phần ô nhiễm này có môi tương quan với nhau, khi một thành phần bị ô nhiễm sẽ kéo theo một hay nhiều thành phần khác bị ô nhiễm theo con đường lan truyền, chuyển hóa và tích tụ. Sự ô nhiễm các thành phần môi trường sẽ gây nhiều bệnh cấp tính, mãn tính ảnh hưởng đến sức khỏe người dân về bệnh hô hấp, da, mắt, máu, thần kinh… đặc biệt là đối với người già, trẻ em, phụ nữ mang thai. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe doạ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, các nguồn gây ô nhiễm và suy thoái môi trường đất chủ yếu do ô nhiễm từ nguồn nước thải, chất thải rắn (CTR) từ sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, sử dụng chất bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng không hợp lý trong nông nghiệp và một số nguồn gốc ô nhiễm tự nhiên. Kết quả quan trắc chất lượng đất giai đoạn 2011-2014 tại các khu vực đất công nghiệp và nông nghiệp cho thấy, hầu hết các thông số ô nhiễm đều nằm trong giới hạn cho phép, trừ thông số đồng (Cu) trong đất trồng rau khu vực xã Thái Bình, huyện Châu Thành vượt 1,3 lần trong năm 2011. Trong công tác quan lý chất thải rắn, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2015 khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng lên 326 tấn/ngày (301,5 tấn/ngày năm 2011) và dự báo khoảng 740,4 tấn/ngày vào năm 2020. Riêng chất thải rắn thông thường từ các KCN, KCX, CCN năm 2015 khoảng 161,64 tấn/ngày (CTR sản xuất thông thường khoảng 158,47 tấn/ngày, CTR sinh hoạt 3,17 tấn/ngày). Khối lượng chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh khoảng 343 tấn/năm, dự báo khoảng 415 tấn/năm vào năm 2020. Đôi với chất thải y tế, trong 18 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh (2 bệnh viện tư nhân và 16 cơ sở y tế công lập), có 2 bệnh viện tư nhân thực hiện thu gom và xử lý CTR y tế đạt yêu cầu, 9 cơ sở y tế công lập đưa vào sử dụng dụng công trình xử lý chất thải cuối năm 2014 đảm bảo thu gom, xử lý 96% chất thải y tế phát sinh và đến năm 2015 đạt 100% so với yêu cầu. Khối lượng chất thải y tế từ các các cơ sở y tế khoảng 5,104 tấn/ngày, dự báo khoảng 9,05 tấn/ngày vào năm 2020.

Hiện tại, công tác thu gom vận chuyển và xử lý CTR đô thị trên địa bàn tỉnh chủ yếu do Công ty Cổ phần Công trình đô thị Tây Ninh phụ trách, với tỷ lệ phủ dịch vụ khoảng 55%, còn lại do các đơn vị từ tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh. Hầu hết CTR được xử lý chôn lấp tại Khu xử lý CTR Tân Hưng quy mô 20 ha. Các khu vực còn lại cũng được nhiều đơn vị thuộc huyện, thành phố tham gia, nhưng tỷ lệ thu gom và chất lượng xử lý lại chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ thu gom CTR đô thị tỉnh Tây Ninh tăng dần qua các năm từ 85% (năm 2012) lên 96% năm 2014. Giữa năm 2014, Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường Tây Ninh đưa vào vận hành Nhà máy xử lý CTR sinh hoạt tại xã Tân Hưng với công suất 150 tấn rác/ngày. Các phế phẩm từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cũng được thu gom, lưu trữ và bán lại cho các đơn vị có nhu cầu.

Bên cạnh đó còn phải đề cập đến vấn đề tai biến thiên nhiên và sự cố môi trường, biến đổi khí hậu và các ảnh hưởng của nó. Tỉnh Tây Ninh nằm sâu trong nội địa nên không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên vẫn phải chịu ảnh hưởng do hoàn lưu của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Các hiện tượng giông kết hợp với sét, lốc xoáy thường xuyên xuất hiện đầu mùa mưa gây nhiều thiệt hại về tài sản và tính mạng con người. Ngoài ra, vấn đề bồi lắng lòng hồ Dầu Tiếng, xói lở sông Sài Gòn hạ du hồ Dầu Tiếng, ngập úng do triều cường và xâm nhập mặn ven sông Vàm Cỏ Đông cũng ít nhiều gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và cuộc sống của người dân, như: cháy nổ, ô nhiễm môi trường nước làm cá chết hàng loạt, sự cố các hệ thống xử lý nước thải, ô nhiễm nguồn nước ngầm, đất trồng trọt…. đã gây ảnh hưởng xáu đến kinh tế, tài sản, tính mạng con người và chất lượng môi trường. Ước tính giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh Tây Ninh phát thải khoảng 17,36 triệu tấn khí CO2 và tương đương. Dự báo, nhiệt độ không khí khoảng 26,90C - 27,10C, tương tự lượng mưa tăng thêm 0,8% vào năm 2020 và 1,2% vào năm 2030.

Mặc dù thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên và môi trường, xử lý ô nhiễm, truyền thông nâng cao nhận thức, thanh kiểm tra xử lý vi phạm, quan trắc ô nhiễm trên địa bàn tỉnh đều được thực hiện thường xuyên, liên tục hàng tháng, hàng năm, tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Tây Ninh còn vướng phải nhiều khó khăn, bất cập. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, các ngành chức năng của tỉnh Tây Ninh đang tiến hành thực hiện dự án "Xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến 2030" nhằm dự báo xu thế biến đổi và đề xuất các phương án ưu tiên bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý tài nguyên tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Tâm Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây