Hiệu quả công tác xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến

Thứ năm - 08/09/2016 14:00 114 0
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong 10 năm qua đã xây dựng được nhiều mô hình phù hợp, hoạt động hiệu quả. Dưới đây là các mô hình, điển hình tiên tiến đóng góp tích cực vào việc giữ gìn an ninh trật tự địa phương.

Mô hình "Tổ dân cư tự quản" do Uỷ ban MTTQ tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ dân cư tự quản (Quyết định số 06/2007/QĐ-UBND ngày 26/02/2007 sau này được thay thế bằng Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 12/6/2014). Mỗi Tổ tự quản có trung bình 40 đến 50 hộ, có 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó. Hiện nay toàn tỉnh có 8.609 Tổ dân cư tự quản. Từ khi thành lập đến nay Tổ dân cư tự quản đã cung cấp cho lực lượng Công an hàng ngàn nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an điều tra làm rõ hàng ngàn vụ án hình sự và vụ việc vi phạm pháp luật; quản lý, giáo dục giúp đỡ hơn 2.689 đối tượng tại cộng đồng dân cư, trong đó có nhiều đối tượng tiến bộ, hoà nhập tốt với cộng đồng.

Mô hình "Đội tuần tra nhân dân" do Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của lực lượng Tuần tra nhân dân (theo Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND, sau này được thay thế bằng Quyết định số 41/2011/QĐ-UBND). Theo Quyết định số 41, lực lượng Tuần tra nhân dân được thành lập mỗi ấp 01 đội và 01 đội thường trực tại xã; mỗi đội có từ 10 đến 15 thành viên, có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng Công an xã, Dân quân tự vệ tổ chức tuần tra ban đêm để bảo vệ tài sản của nhân dân và được huy động tham gia bảo vệ các lễ hội lớn. Hiện nay lực lượng tuần tra nhân dân có 545 đội, với 5.939 thành viên.. Trong những năm qua đã huy động hỗ trợ Công an bắt, xử lý hơn 1.000 vụ việc với hơn 1.200 đối tượng vi phạm trên các lĩnh vực an ninh trật tự có 20 tập thể và 220 cá nhân được Ban Giám đốc Công an tỉnh, UBND huyện, thành phố khen thưởng, 01 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích bắt giữ đối tượng trộm cắp tài sản trị giá 1,9 tỷ đồng.

Mô hình "Vận động toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm ở địa bàn khu dân cư" được thành lập ở từng ấp, khu phố, nhiệm vụ là vận động người dân trong ấp, khu phố có ý thức tự bảo vệ tài sản của mình, tham gia tố giác và truy bắt tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản; phạm vị hoạt động của mô hình này rất rộng, tất cả công dân từ 15 tuổi trở lên đều là thành viên mô hình. Từ khi thành lập, nhận thức của người dân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự đã có chuyển biến rõ rệt, dân không còn thờ ơ, sợ tội phạm như trước đây, số lượng người dân trực tiếp truy đuổi bắt được tội phạm ngày càng nhiều. Đã có 2.253 lượt người dân cung cấp 5.757 tin cho lực lượng Công an giúp cơ quan công an điều tra, khám phá, xử lý hình sự hàng trăm đối tượng và xử lý hành chính 1.551 vụ, 1.820 đối tượng. Đặc biệt có 98 người dân trực tiếp truy bắt 102 đối tượng trộm cắp, cướp giật tài sản; giúp cơ quan Cảnh sát điều tra mở rộng làm rõ thêm 169 vụ án trộm cắp, cướp giật khác, bắt 115 đối tượng phạm tội trước đó chưa được làm rõ (riêng 6 tháng đầu năm 2016 đã có 1.250 người dân cung cấp tin có giá trị cho lực lượng Công an và 85 người dân trực tiếp truy bắt 79 đối tượng phạm tội.

Ngoài các mô hình trên thì hai huyện Dương Minh Châu và Trảng Bàng đã triển khai xây dựng 02 mô hình mang tính chất đặc trưng của địa phương. Do đặc điểm của huyện Dương Minh Châu là có hồ Dầu Tiếng, người dân tham gia khai thác thuỷ sản có nhiều thành phần phức tạp khó quản lý, tình hình dùng thuốc nổ, xung điện đánh bắt cá xảy ra, một số đối tượng phạm tội lẫn trốn trên lòng hồ…Từ thực tế đó, Ban chỉ đạo huyện chủ động xây dựng mô hình "Tổ đánh bắt thuỷ sản tham gia giữ gìn an ninh, trật tự" để vận động nhân dân tham gia quản lý về an ninh trật tự, chấp hành tốt pháp luật. Từ khi có mô hình này, tình hình an ninh trật tự trong hồ Dầu Tiếng ổn định, không còn phức tạp như trước. Ở huyện Trảng Bàng khi thành lập Khu công nghiệp, thu hút nhiều người dân từ các tỉnh, thành phố khác đến làm công nhân, nhiều hộ dân xây nhà trọ cho công nhân thuê, trong nhà trọ thường xảy ra trộm cắp, đánh nhau, giết người do mâu thuẫn cá nhân, tệ nạn hút chích ma tuý, mại dâm hoạt động…Từ đó Ban chỉ đạo huyện xây dựng mô hình "Nhà trọ an toàn" để vận động các chủ nhà trọ nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự quản lý người nghỉ trọ, báo cáo kịp thời cho lực lượng công an khi xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự. Hiện nay tình hình an ninh, trật tự ở khu vực này được ổn định, các vụ vi phạm hình sự, tệ nạn xã hội được kéo giảm đáng kể.

Công an tỉnh tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị 07/CT-BCA-V28 ngày 15/8/2014 của Bộ Công an về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới. Các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm túc. Viễn thông Tây Ninh ngoài việc xây dựng đơn vị đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự đã dành một phần kinh phí lắp đặt 16 camera giám sát tại các đường phố, ngõ hẻm thường xuyên xảy ra tụ tập cờ bạc, đá gà, quán nhậu gây gổ đánh nhau gây mất an ninh, trật tự ở phường III, thành phố Tây Ninh. Từ khi có mô hình này nhiều tụ điểm tệ nạn xã hội đã được triệt xoá, tình hình an ninh trật tự ở từng ngõ hẻm, khu phố được ổn định.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty cổ phần Công trình đô thị Tây Ninh đã chủ động xây dựng mô hình "Tổ công nhân công trình đô thị tham gia giữ gìn an ninh, trật tự", với đặc thù tổ công nhân của công ty này dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường vào ban đêm. Từ khi thành lập mô hình đã nâng cao ý thức trách nhiệm của các thành viên, đã phát hiện cung cấp nhiều thông tin cho lực lượng công an về các nhóm tụ tập chuẩn bị đua xe, các điểm hút chích ma tuý, các đối tượng nghi vấn có biểu hiện trộm cắp tài sản. Trong đó có 46 nguồn tin có giá trị giúp công an khám phá một số vụ trộm, an ninh trật trên các tuyến đường được ổn định.

Trong trường học, Trường Cao đẳng dạy nghề Tây Ninh chủ động xây dựng mô hình "Học sinh, sinh viên tự quản về an ninh trật tự" để vận động sinh viên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không sử dụng ma tuý, kịp thời phát hiện tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trong trường học và ngoài xã hội. Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Hoà Thành) xây dựng mô hình "Cổng trường an toàn giao thông", Trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự (Gò Dầu) xây dựng mô hình "Trường học bảo đảm an toàn giao thông" nhằm giáo dục học sinh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không để xảy ra tai nạn giao thông.

Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong đồng bào các tôn giáo (theo tinh thần Chỉ thị 09/CT-BCA-V28 ngày 19/8/2014 của Bộ Công an), Ban Chỉ đạo huyện Châu Thành chủ động đánh giá, nâng cao chất lượng hoạt động mô hình " Xứ đạo an toàn về an ninh trật tự" tổ chức vận động tuyên truyền tín đồ theo đạo Thiên chúa tham gia giữ gìn an ninh trật tự, lúc đầu mô hình này chỉ có ở thị trấn Châu Thành, hiện nay huyện đã nhân rộng ra các xã có nhà thờ đều có mô hình "Xứ đạo an toàn về an ninh trật tự", người dân theo đạo Thiên chúa thực hiện tốt phương châm sống "Tốt đời, đẹp đạo", tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Các địa phương chủ động triển khai mô hình "Họ đạo Cao đài tham gia giữ gìn an ninh trật tự" ở các xã có thánh thất, điện thờ; tranh thủ vận động các chức sắc, người có uy tín trong tôn giáo để giáo dục tín đồ Cao đài nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 09 mô hình "Họ đạo Cao đài tham gia giữ gìn an ninh trật tự" được triển khai ở các huyện, thành phố và đang sơ kết tổ chức nhân rộng ra toàn tỉnh.

Trên lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã chủ động xây dựng nhiều mô hình "Tuyến đường an toàn, không xảy ra tai nạn giao thông", mô hình "Bến phà, tuyến sông an toàn, văn minh văn hoá" để tuyên truyền vận động người dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đường thuỷ; từ đó ý thức của người dân được nâng lên, tai nạn giao thông trên các tuyến đường có mô hình được kéo giảm rõ rệt, nhiều tuyến đường không còn xảy ra tai nạn giao thông, không xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ.

Ngoài ra, còn có một số mô hình khác được xây dựng hoạt động có hiệu quả phục vụ tốt cho công tác phòng ngừa tội phạm như mô hình "4+1" và mô hình "Quỹ phát triển tái hoà nhập cộng đồng" có nhiệm vụ quản lý giúp đỡ người được đặc xá, tha tù trở về địa phương xoá bỏ mặc cảm, sớm được tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, không tái phạm. nhiều người được đặc xá, tha tù được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ cho vay vốn chăn nuôi, sản xuất; hướng dẫn đào tạo nghề giải quyết việc làm, an tâm lao động sản xuất. Mô hình an toàn về phòng cháy, chữa cháy trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường và ở khu dân cư cũng phát huy hiệu quả.

Ngoài những mô hình cơ bản trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, các ngành, đoàn thể còn xây dựng các mô hình đặc thù như Hội Liên hiệp Phụ nữ có mô hình "Câu lạc bộ phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em", "Câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật", "Chi hội phụ nữ không có con em vi phạm pháp luật"; Hội Nông dân có mô hình "Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật"; Đoàn Thanh niên có mô hình "Thanh niên xung kích, tình nguyện, tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông"; Mặt trận Tổ quốc có mô hình" Gia đình không có con em phạm tội, nghiện hút ma tuý và mại dâm"; Sở Giáo dục- Đào tạo có mô hình "Trường học không có ma tuý", "Cổng trường an toàn xanh, sạch, đẹp".

 Để đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự tốt cần có phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc mạnh, muốn có phong trào mạnh phải có mô hình phù hợp, hoạt động hiệu quả. Công tác xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong thời gian qua, với kết quả hoạt động của từng mô hình cho thấy hiện nay các mô hình đang hoạt động hiệu quả góp phần tích cực vào việc giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

HP

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây