Hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng lúa. |
Ông Mai Văn Công- Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết: “Vụ Đông Xuân năm 2010 - 2011 xã Trí Bình bắt đầu thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. Lúc đó, nông dân chưa thấy được lợi ích của mô hình nên còn dè dặt. Sang vụ thứ 2, vụ thứ 3, rồi liên tiếp các vụ sau, thấy năng suất của cánh đồng mẫu lớn ngày càng được nâng cao, bà con đã mạnh dạn tham gia nhiều hơn”.
Tất cả nông dân tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn đều khẳng định năng suất, chất lượng hạt lúa của cánh đồng mẫu lớn cao hơn hẳn so với những cánh đồng khác, trong khi chi phí sản xuất lại thấp hơn. Nhiều gia đình nhờ tham gia mô hình này mà có cuộc sống khá hơn.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Trọng, ngụ ấp Xóm Ruộng. Nhà anh có hơn 3 ha ruộng, mỗi năm sản xuất 3 vụ lúa nhưng lợi nhuận thu về không bao nhiêu, vì năng suất lúa không cao. 4 năm qua, kể từ khi tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, anh Trọng tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật canh tác theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên cây lúa phát triển đồng đều, năng suất tăng lên thấy rõ.
Vụ lúa Đông Xuân vừa qua, năng suất lúa của gia đình anh Trọng đạt trên 9 tấn/ha. Theo anh Trọng, từ khi tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, anh không còn phải lo âu về nguồn vốn đầu tư sản xuất. Bởi từ giống má, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đều được các công ty liên kết cung cấp đến tận nơi, không qua bất kỳ một khâu trung gian nào. Mức giá vật tư nông nghiệp đầu vào không bị đẩy lên mà chất lượng lại bảo đảm, quy trình kỹ thuật canh tác cũng được thực hiện đúng bài bản… tất cả tạo ra sự tác động tích cực đến kết quả sản xuất của bà con nông dân.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành cho biết, trước khi thực hiện canh tác theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức tập huấn cho bà con nông dân từ khâu sạ hàng, bón phân cân đối, chăm sóc và phòng ngừa dịch hại tổng hợp IPM trên ruộng lúa, cho đến việc hạn chế tối đa thất thoát sau thu hoạch. Nông dân trong xã được tổ chức liên kết theo phương thức hợp tác, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất, hạn chế được rủi ro, giảm chi phí đầu tư về máy bơm, xăng dầu, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Điều khiến cho nhiều bà con nông dân cũng như lãnh đạo địa phương yên tâm, hài lòng nhất chính là tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của những người có đất đai chung trong cánh đồng. Qua đó, mọi người ngày càng có sự gắn kết thân thiết với nhau hơn, tránh những mâu thuẫn không đáng có do sự tính toán lợi ích cục bộ về đường nước, bờ ranh, cỏ dại… Tình nghĩa xóm giềng ngày càng được củng cố nhờ sự tương trợ nhau trong sản xuất.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng dần bộc lộ những trở ngại, khó khăn. Cái khó lớn nhất của nông dân khi tham gia mô hình này là đầu ra còn thiếu ổn định, giá cả còn bấp bênh và bà con nông dân vẫn còn bị thương lái ép giá.
Mặc dù còn có những khó khăn nhất định, song không thể phủ nhận mô hình cánh đồng mẫu lớn đã và đang góp phần đắc lực vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống của bà con nông dân.
Theo BTNO