Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Vân Trình, việc đốt các nhiên liệu hóa thạch trong các lò hơi và lò đốt là một trong các tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các loại lò này là giải pháp công nghệ đầu tiên góp phần giảm thiểu sự phát thải các chất này. Đầu tiên cần chú trọng cải thiện hiệu suất nhiệt thông qua quá trình gia nhiệt sơ bộ khí đốt bằng nhiệt lượng thải ra trong lò. Cải tiến hệ thống đồng phá cũng là một giải pháp tốt bởi hệ thống đồng phá dựa trên hơi nước có thể sử dụng trong điều kiện tỷ lệ hơi nước so với lượng điện cao. Nếu tỷ lệ này thấp, hệ thống đồng phát dựa trên tuabin sẽ phù hợp hơn. Hệ thống này sẽ cho phép sản sinh lượng điện tối đa mà không cần cung cấp thêm hơi nước hay năng lượng, đồng thời cũng tạo ra hơi nước cho toàn bộ quá trình. Ngoài ra, các giải pháp như bịt kín các điểm rò rỉ, nồi hơi nhiệt thải, mỏ đốt lưới khí, mỏ đốt khí dư thấp, nồi hơi nhiệt thải, hệ thống tận thu nước ngưng khép kín, tuabin hiệu suất cao, sợi gốm, lò quang, lớp bảo ôn động... cũng góp phần giảm thiểu tác nhân gây biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, sản xuất sạch là một giải pháp tiếp cận nhằm tác động ngay các khâu của dây chuyền sản xuất để chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải tại nguồn phát sinh, qua đó giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm định mức tiêu hao nguyên liệu năng lượng cho một đơn vị sản phẩm và giảm chi phí cho xử lý chất thải. Đối với ngành sản xuất xi măng, cần che chắn, bịt kín các điểm phát sinh bụi, tăng công suất quạt hút, cải tạo hệ thống thiết bị tách bụi, điều chỉnh đủ lượng không khí cấp vào lò, bố trí cửa cấp gió hông lò, xây dựng kho có bao che để chứa nguyên nhiên liệu, tận dụng tiềm năng nhiệt khói lò để sấy sơ bộ nguyên liệu, sử dụng phế thải của ngành luyện kim ít độc hại...
Trong ngành sản xuất gạch nung, cần phun nước giữ độ ẩm đất trong quá trình ngâm ủ tại cửa nạp điện máy cán nhào, lắp hệ thống hút xử lý bụi tại khu phơi, cải tạo đường ống thu hồi nhiệt lò nung cấp cho lò sấy, lắp đặt hệ thống khử bụi, dùng quạt thổi ngược ở đầu lò ra gạch để thu hồi nhiệt, giảm nhiệt độ và bụi gạch ra lò.... Đối với ngành đúc kim loại, cần lựa chọn quặng và phế liệu chất lượng tốt, lắp đường ống thu hồi nhiệt lò nung cấp cho lò sấy phế liệu, lắp đặt hệ thống khử bụi và hơi khí độc, tối ưu hóa lò đốt, lắp đặt các thiệt bị kiểm soát tự động...
Riêng ngành công nghiệp luyện thép hồ quang, có thể áp dụng loại bỏ chất phi kim loại, băm chặt nhỏ nguyên liệu, vận hành lò điện chế độ siêu cao công suất, làm nguội tường lò và nắp lò bằng nước, nung sơ bộ thép phế làm giảm thời gian nấu luyện và giảm phát thải bụi, sử dụng hệ thống nước làm mát khép kín để tiết kiệm nước và giảm năng lượng cho bơm, tái sử dụng bụi lò điện, sử dụng công nghệ cháy sau kết hợp với xử lý khói...
Để kiểm soát chất lượng khí thải, cần sử dụng các thiết bị xử lý khí axit thông dụng như tháp sủi bọt, tháp phun, tháp đệm... Đối với các chất hữu cơ có thể được xử lý qua các thiết bị xử lý hơi khí độc theo phương pháp hấp thụ, tức là quá trình phân ly khí dựa trên ái lực của một số chất rắn đối với một số loại khí trong hỗn hợp khí nói chung và trong khí thải nói riêng.
Theo monre.gov.vn