Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường

Thứ năm - 30/07/2015 17:00 81 0
Ô nhiễm môi trường nông thôn đã và đang trở thành vấn đề cấp bách. Nhận thức được vấn đề đó, công tác BVMT nông thôn đã được chú trọng nhiều hơn. Trong những năm qua, vấn đề quản lý và bảo vệ môi trường (BVMT) nông thôn đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Các nội dung về quản lý môi trường nông thôn được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thông qua việc lồng ghép vào các văn bản quản lý môi trường nói chung hoặc lồng ghép vào các văn bản quản lý sản xuất chuyên ngành.

Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020... đều có các quy định liên quan đến quản lý và BVMT nông thôn.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã đưa ra các điều khoản quy định việc BVMT trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề, nuôi trồng thủy sản, hóa chất, thuốc BVTV, thuốc thú y; quy định về BVMT khu dân cư, hộ gia đình hay tổ chức tự quản về BVMT. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã bổ sung sửa đổi các điều khoản này, chi tiết, phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn.

Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã đưa ra mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường tại một số vùng nông thôn; cấp nước sạch cho dân cư khu vực nông thôn; xây dựng Chương trình xây dựng và phổ biến nhân rộng các mô hình làng kinh tế sinh thái. Tiếp theo đó, Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng có nhóm nội dung, biện pháp hướng tới mục tiêu giải quyết cơ bản các vấn đề môi trường tại các làng nghề và vấn đề VSMT nông thôn. Đến nay, các chương trình, dự án nhằm thực hiện các mục tiêu đặt ra cũng đã và đang được triển khai thực hiện theo đúng lộ trình.

Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 đã xây dựng và triển khai các nội dung về cấp nước sạch, VSMT (có nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại hợp vệ sinh), trong đó tập trung ưu tiên cho các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng ven biển, nơi bị khô hạn, đang bị ô nhiễm môi trường... Sau khi chương trình kết thúc năm 2010, các nội dung về mục tiêu nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn vẫn tiếp tục được triển khai và thu được nhiều kết quả tốt. Tính đến hết năm 2014, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 84,5%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 63%.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đã đưa ra các nội dung về tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn; xây dựng các công trình BVMT nông thôn trên địa bàn xã, thôn theo quy hoạch (xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước trong thôn, xóm; xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải ở các xã; chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng...). Theo kết quả đánh giá của Bộ NN&PTNT đến cuối năm 2014, 97,2% số xã đã được phê duyệt quy hoạch nông thôn mới. Việc triển khai các tiêu chí về nông thôn mới, trong đó có bộ tiêu chí về môi trường cũng đã được triển khai và thu được những kết quả nhất định.

Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 – 2015 cũng đã đặt mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 47 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng. Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng và phê duyệt dự án để triển khai thực hiện.

Bên cạnh các văn bản, chính sách về môi trường, trong các chính sách, văn bản, chương trình quy định về phát triển ngành nghề nông thôn như Luật Thủy sản 2003, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013, Pháp lệnh Giống vật nuôi 2004, Pháp lệnh Thú y 2004... cũng có các nội dung quy định về BVMT.

Để triển khai các chính sách, Luật, Pháp lệnh, rất nhiều các văn bản dưới luật cũng đã được xây dựng với các nội dung quy định về quản lý chất thải nông nghiệp bao gồm: kiểm soát ô nhiễm từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ...; hoạt động chế biến nông lâm thủy sản, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tại khu vực nông thôn hay quy định việc kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải làng nghề... Cùng với đó, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các lĩnh vực thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, quy định về ngưỡng chất thải nguy hại (trong đó bao gồm chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề...) cũng đã được ban hành.

Ở cấp địa phương cũng đã chú ý đến việc ban hành các văn bản liên quan nhằm cụ thể hóa các đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ ở địa phương mình. Một số địa phương đã xây dựng Đề án bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bình Phước, Vĩnh Long... Căn cứ theo tình hình thực tế và định hướng phát triển nông thôn của từng địa phương, các mục tiêu và chương trình, dự án Ưu tiên được xây dựng.

Đối với các hoạt động phát triển nông nghiệp nông thôn, các địa phương cũng đã xây dựng các văn bản hướng dẫn, yêu cầu triển khai thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm, vấn đề sử dụng thuốc, hóa chất BVTV... Một nội dung cũng đã và đang được hầu hết các địa phương tổ chức triển khai thực hiện theo đúng lộ trình của Chương trình mục tiêu quốc gia đó là việc triển khai nhóm tiêu chí về môi trường trong Chương trình nông thôn mới cho các xã trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống chính sách, văn bản về quản lý và BVMT nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành, nhưng vẫn còn một số hạn chế, bất cập khiến cho công tác quản lý cũng như triển khai thực hiện BVMT nông thôn gặp nhiều khó khăn.

Chưa đầy đủ và thiếu tính đồng bộ

Trong những năm qua, Luật Bảo vệ môi trường là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực môi trường. Luật BVMT năm 2014 có những điều khoản riêng (Điều 69, 70) về BVMT nông thôn và một số điều khoản khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp (Điều 71, 78, 80, 82, 83).

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản chuyên biệt quy định một cách hệ thống vấn đề quản lý và BVMT nông thôn, các quy định còn nằm phân tán ở nhiều lĩnh vực, thiếu tính gắn kết, nhiều nội dung còn bị bỏ ngỏ. Trong các văn bản dưới luật cũng vẫn còn thiếu các nội dung hướng dẫn thi hành đối với vấn đề BVMT nông thôn.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2005, tiêu chuẩn môi trường đối với chất thải, đặc biệt là nước thải và khí thải chỉ áp dụng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn mà không phù hợp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ và quy mô hộ gia đình trong các làng nghề hoặc nằm xen kẽ trong khu dân cư. Chính vì vậy, việc thanh tra, kiểm tra cũng như xác định mức độ ô nhiễm đối với các đối tượng này hầu như chưa thể triển khai. Vấn đề này vẫn tiếp tục tồn tại trong quy định của Luật BVMT 2014.

Cho đến nay, vẫn còn thiếu các quy định về việc quản lý, xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn...) đối với khu vực nông thôn; trách nhiệm và phân cấp trong quản lý môi trường nông thôn; vấn đề thu phí và lệ phí trong quản lý chất thải nông nghiệp, làng nghề; thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường áp dụng cho khu vực nông thôn...

Thiếu tính khả thi

Một số quy định pháp luật có liên quan đến BVMT khu vực nông thôn không thể áp dụng trong thực tế hoặc áp dụng không hiệu quả. Điển hình như nội dung về quản lý CTR, Nghị định số 59/2007/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn áp dụng cho cả khu vực đô thị và nông thôn với mục tiêu phân loại CTR tại nguồn. Tuy nhiên, cho đến nay, việc phân loại CTR tại nguồn mới chỉ thực hiện được thí điểm ở một số khu vực đô thị lớn. Một minh chứng khác là quy định về phí BVMT đối với CTR, trong thực tế, đến nay vẫn chưa triển khai được, đặc biệt là trên địa bàn nông thôn.

Một số các tiêu chuẩn, quy chuẩn được xây dựng nhưng chưa xem xét đầy đủ tình hình thực tế, dẫn đến khi ban hành, tính khả thi không cao, gây khó khó khăn trong quá trình triển khai áp dụng. Một minh chứng điển hình là việc chọn bãi chôn lấp xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn, được áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2009/BXD về quy hoạch xây dựng nông thôn. Đây là một quy chuẩn hướng dẫn khá chi tiết, tuy nhiên, một số chỉ tiêu về bãi rác, nước thải sinh hoạt là chưa thể áp dụng thực hiện trong điều kiện hạ tầng nông thôn hiện nay.

(Bài viết trích lược nội dung từ Báo cáo môi trường nông thôn 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây