Hoạt động của Đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, (ngày làm việc thứ 20): “ Bất cập trong việc thực hiện dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh. Một số giải pháp khắc phục”

Thứ sáu - 15/11/2013 00:00 27 0
Hôm qua (13/11), Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 20, tham gia góp ý đối với việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, ông Trịnh Ngọc Phương – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh cho rằng:

 

Dự án đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng được các mục tiêu như đã đề ra trong báo cáo. Trong thời gian qua dự án đã bị ách tắc, trì trệ với nhiều lý do như giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai còn nhiều bất cập, năng lực cán bộ địa phương còn hạn chế, vốn đầu tư khó khăn, thiết kế thi công còn nhiều bất cập. Với tình hình đó việc điều chỉnh Nghị quyết 38 cho phù hợp với tình hình thực tế là yêu cầu chính đáng. Tuy nhiên có một số vấn đề cần có giải pháp để đánh giá lại dự án này cũng như giải pháp về kỹ thuật để đảm bảo cho dự án được triển khai thông suốt và sớm hoàn thành. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban khoa học công nghệ môi trường có nêu một số hạn chế của dự án, trong đó có nêu chất lượng một số đoạn, tuyến của dự án chưa đảm bảo theo yêu cầu tiêu chuẩn nên dễ bị xuống cấp, sạt lở, một số tuyến chưa đảm bảo yêu cầu thoát lũ v.v... Vì thế, đề nghị Chính phủ cho kiểm tra rà soát lại và có xử lý thật nghiêm ngay từ khâu khảo sát và thiết kế. Bởi vì thiết kế công trình đáp ứng được yêu cầu cho từng khu vực đòi hỏi phải có khảo sát, đánh giá về lũ, địa chất, thủy văn, mạch nước ngầm, thời tiết v.v... của khu vực đó. Thậm chí nghiên cứu tầng địa chất, lũ lụt trong nhiều năm trước đó để có đánh giá chính xác từ đó đưa ra phương án thiết kế phù hợp, đảm bảo đúng tiêu chuẩn và đáp ứng được yêu cầu thoát lũ, đảm bảo cho công trình sử dụng đúng với tuổi thọ của nó theo thiết kế tiêu chuẩn đặt ra. Do đó đề nghị Chính phủ cho thanh tra vào cuộc và xử lý nghiêm vấn đề này và có báo cáo cho Quốc hội.

Thứ hai, đường Hồ Chí Minh nếu được Quốc hội cho điều chỉnh lại Nghị quyết 38 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ nhanh chóng triển khai sớm hoàn thành tuyến đường. Do đó, đề nghị Chính phủ triển khai thiết kế, thi công các đoạn đường tiếp theo, ứng dụng công nghệ mới vào công trình này với lý do vào năm 2008 Chính phủ đã có chỉ đạo cho Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu sử dụng vật liệu xi măng bê tông đầm lăn vào công trình giao thông và công trình hạ tầng kỹ thuật khác theo đó ngày 19/12/2008 Bộ Xây dựng đã có Công văn 2535 báo cáo với Chính phủ về việc áp dụng công nghệ bê tông xi măng đầm lăn vào công trình giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật như kho, bến bãi v.v... để tận dụng tốt nguồn xi măng tại chỗ trong nước. Nhất là hiện nay nguồn xi măng còn tồn đọng tương đối nhiều. Theo như được biết hiện nay khu vực phía Nam nhà máy xi măng Hà Tiên chỉ sản xuất đạt 50% công suất đề ra trong khi đó lượng xi măng ngoài Bắc còn tồn đọng rất nhiều. Việc áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn này trước mắt sẽ giảm được áp lực lên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hiện nay chúng ta còn khó khăn.

Thứ ba là do chúng ta hạn chế được nhập nhựa và các phụ gia khác để thi công đường. Công nghệ bê tông đầm lăn này đã được áp dụng rất lâu và ở nhiều nước trên thế giới nhất là cho đường cao tốc với tính năng là hao mòn ít, hệ số bám giữa bánh xe và mặt đường cao, không thay đổi khi mặt đường ẩm ướt, có độ cứng lớn, đảm bảo phân bổ tải trọng đều cho xe chạy xuống nền móng xây dựng tốt trên những đoạn đường có sức chịu lực, chịu tải thấp và đặc biệt mưa bão, lũ lụt ngập nước. Tuổi thọ công trình từ 40 - 60 năm trong khi đó tuổi thọ của bê tông asphalt nhựa chỉ đạt 9 năm và đặc biệt công tác duy tu, bảo dưỡng rất ít và đơn giản, tính trong cả vòng đời thì công tác duy tu bảo dưỡng hàng năm chúng ta giảm được 70% chi phí. Do đó việc xây dựng đường bê tông xi măng đầm lăn rất thích hợp cho điều kiện nước ta nhất là đường giao thông tại các vùng núi, miền Trung, đồng bằng Sông Cửu Long.

Mặt khác, đây là tuyến đường chiến lược, trong thời gian vừa qua nhằm giảm tải cho Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, trong thời gian qua mặc dù tuyến đường khu vực tuyến trên cũng đã được thông nhưng lượng người đi rất ít, do khu vực này đường rất vắng vẻ. Do đó, đề nghị nghiên cứu, thiết kế cần phải có các trạm dừng chân, trạm bảo dưỡng ô tô, thậm chí là các chốt bảo vệ an ninh trật tự trên tuyến đường để bảo đảm cho người dân yên tâm khi lưu hành trên tuyến đường này vào ban đêm, đồng thời giảm áp lực Quốc lộ 1A.

Thứ tư là, tuyến đường Hồ Chí Minh có đoạn đi qua Tây Ninh tổng cộng khoảng 27,6 km, hiện nay đang thi công dang dở và đã xong các mố cầu tiếp giáp với Quốc lộ 22B. Hiện nay cử tri Tây Ninh rất bức xúc vì khi công trình thi công các mố cầu xong rồi để đó sắt thép trơ ra đó, nếu tiếp tục sau này thi công thì công tác bảo dưỡng đòi hỏi phải có nhiều khâu chuẩn bị cho tốt. Đoạn đường này nối tiếp từ Bình Dương và Bình Phước, xuống Long An tạm thời chúng ta đã thông tuyến được đường Hồ Chí Minh đường nối từ Đức Hòa xuống các tuyến phía dưới. Hiện nay Tây Ninh và Bình Dương đã xong phần công tác giải tỏa đền bù, nếu không thi công sớm thì việc quản lý của chúng tôi gặp rất nhiều bất cập, nhất là bảo vệ các khu vực được giải tỏa, người dân bức xúc, tình trạng tái lấn chiếm đều không thể tránh khỏi. Mặt khác các dự án khu cụm công nghiệp dọc theo đường Hồ Chí Minh này đã được triển khai, giải tỏa đền bù, nhưng đến nay đường chưa có nên công tác này cũng còn bất cập và gây bức xúc cho người dân.Vừa qua, Chính phủ đã có trình trái phiểu Chính phủ trong dự án luật này, tuy nhiên đề nghị Chính phủ nên sớm đi vào thi công đoạn này.

Kim Hạnh.

 

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây