Đoàn ĐBQH Tây Ninh thảo luận dự thảo Luật BHXH sửa đổi. |
Sáng ngày 29.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các vị Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật BHXH nhằm tiếp tục thể chế hoá quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân và trách nhiệm của Nhà nước.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục đánh giá tác động của việc điều chỉnh chính sách đối với vấn đề bảo đảm an toàn, cân đối quỹ BHXH; dự báo về số người hưởng hưu trí; tỷ lệ lao động với số người phụ thuộc; dự báo về thị trường việc làm, nhu cầu lao động, sử dụng lao động theo lĩnh vực, ngành nghề trong vòng 10-20 năm tới để thiết lập lộ trình thực hiện các chính sách.
ĐB Lê Minh Trọng đồng tình với việc đưa nhóm lao động người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng (điểm b khoản 1 Điều 2) tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết, nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH.
Nhưng để đảm bảo tính khả thi của quy định này, các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức công đoàn cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động chính sách, đổi mới công tác quản lý và có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện pháp luật.
Mặt khác; theo Tờ trình của Chính phủ không quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với nhóm người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là thiếu sót; đại biểu đề nghị, trong Luật này nên tạo điều kiện để người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện đang hưởng phụ cấp theo công việc được tham gia BHXH bắt buộc, với chính sách liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện sẽ tạo điều kiện để nhóm này có thể tham gia liên tục, đảm bảo an sinh khi không còn tuổi lao động.
Đại biểu Trọng cho rằng, hiện nay, chính sách BHXH tự nguyện đang tồn tại nhiều bất cập, thiếu sức hấp dẫn đối với người lao động (mức đóng khá cao, phương thức đóng thiếu linh hoạt, không phù hợp với việc làm có thu nhập thấp và không ổn định của lao động thuộc khu vực không chính thức).
Do vậy, đại biểu đề nghị làm rõ thêm cơ sở để quy định mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện (Điều 87) trong tương quan với “mức lương tối thiểu”, “mức lương cơ sở”, “chuẩn nghèo”; đồng thời, việc đóng BHXH trên mức thu nhập thấp sẽ dẫn đến mức lương hưu thấp, do đó, nên bổ sung quy định về mức thu nhập tối đa mà người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn để đóng.
Quy định Nhà nước “hỗ trợ tiền đóng BHXH đối với một số trường hợp đặc biệt” (khoản 3 Điều 6) chưa thể chế hoá đầy đủ, cụ thể quan điểm chỉ đạo của Đảng về mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia các loại hình BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện cho nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức; đề nghị cần quy định trong Luật nhóm đối tượng lao động cụ thể được Nhà nước hỗ trợ gắn với tiêu chí mức thu nhập tối thiểu, và dự kiến nguồn lực để thực hiện chính sách này.
Về điều kiện hưởng lương hưu (Điều 53), dự thảo Luật bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu của người lao động tại khoản 2 Điều 53 như sau: Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại (trừ nhóm lực lượng vũ trang và người làm công tác cơ yếu) cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi, cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Về vấn đề này các đại biểu không đồng tình, và đề nghị thực hiện Điều 187 của Bộ luật Lao động, đó là “nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác”.
Vì hiện nay, Bộ luật Lao động đã cho phép điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng, đồng thời, đối với một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số địa bàn người lao động sẽ được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn.
Theo BTNO