Theo đó, kể từ ngày 01/6/2014 đến 31/3/2015 mặt hàng chọn để bình ổn thị trường bao gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gà, thịt heo, trứng gà, rau, củ.
Hàng bình ổn có 2 nhiệm vụ: một là định hướng giá cả thị trường làm cho giá cả thị trường tăng chậm lại và có thể không tăng, hai là chống đột biến giá nhất thời tại khu vực. Ngoài ra, việc Nhà nước hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá còn có tác động quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối, giảm chi phí, giảm trung gian trong lưu thông.
Nhu cầu số lượng hàng hóa dự kiến dự trữ để bình ổn thị trường bao gồm: Gạo (500 tấn); đường (200 tấn); dầu ăn (65.000 lít); thịt gà (130 tấn); thịt heo 292,5 tấn; trứng gà (780.000 quả); rau, củ, quả (80 tấn)...
Mặt hàng gạo đã nằm trong chương trình bình ổn quốc gia, tỉnh chỉ can thiệp khi đột biến, phạm vi nhỏ nên đề xuất dự trữ tỉ lệ thấp khoảng 500 tấn; đường và dầu ăn là loại hàng có thể dự trữ thời gian dài và có thể đưa hàng đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cho nên lượng hàng hóa dự trữ tương đối nhiều; thịt heo, thịt gà và trứng gà khó bảo quản nên dự trữ ít hơn.
Đối tượng tham gia bình ổn thị trường là các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có hệ thống phân phối, có các điểm bán lẻ, có xe bán hàng lưu động; hàng hóa tham gia bình ổn phải đúng chủng loại, đảm bảo cung cấp đủ số lượng, chất lượng; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và phải đăng ký giá bán với cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời doanh nghiệp tham gia bình ổn được hỗ trợ vốn vay theo mức độ đăng ký và có kế hoạch đưa hàng hóa thiết yếu về vùng nông thôn và các khu, cụm công nghiệp.
Điều chỉnh giá phải đảm bảo luôn thấp hơn giá thị trường 10% trở lên
Các đơn vị tham gia cam kết giá bán lẻ cụ thể đối với từng mặt hàng, giá cam kết là giá bán lẻ đến người tiêu dùng. Trường hợp giao hàng cho các đơn vị khác, các cửa hàng trực thuộc các đại lý bán lẻ có đăng ký tham gia bán hàng bình ổn giá (đăng ký qua Sở Công thương) phải trừ chiết khấu hoặc hoa hồng để các đơn vị này thực hiện bán theo giá thống nhất cho doanh nghiệp giao hàng đã đăng ký; khi có thay đổi giá bán phải báo ngay cho đơn vị nhận hàng, cửa hàng, đại lý bán lẻ để thông báo công khai. Các đơn vị tham gia dự trữ được đề nghị điều chỉnh giá nhưng phải đảm bảo luôn thấp hơn giá thị trường từ 10 % trở lên và phải đảm bảo hai điều kiện sau:
Doanh nghiệp chứng minh hàng tồn, hàng mua giá đã bán hết; như vậy việc đăng ký giá tăng là ngay từ thời gian bắt đầu chu kỳ mới, có thời gian khá xa; trong trường hợp giá thị trường tăng nhanh có chênh lệch quá lớn không thể kiểm soát được việc bán hạn chế số lượng để đảm bảo hàng bình ổn giá đến đúng người trực tiếp tiêu dùng, làm cho nguồn dự trữ có nguy cơ hết nhanh, có khả năng đầu cơ mua đi bán lại thì việc đăng ký điều chỉnh được thực hiện kịp thời và có thể phân loại đối tượng giao để điều chỉnh, có thể chưa hoặc ít tăng, tăng chậm đối với các bếp ăn tập thể có đặt hàng thường xuyên...
Đối với các đơn vị dự trữ trong khâu sản xuất: được điều chỉnh tăng giá bán khi giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng cao hơn 15% so với thời điểm đơn vị đăng ký giá bình ổn hoặc liên tục 3 tháng giữ mức tăng lớn hơn 10% so với thời điểm đăng ký.
Đối với các đơn vị dự trữ trong khâu lưu thông thì được điều chỉnh tăng giá bán khi đã bán hết hàng dự trữ và giá hàng hóa đầu vào tăng cao hơn 10%. Trường hợp nhận bán hàng bình ổn cho các đơn vị khác thì phải theo giá của đơn vị giao hàng.
Mọi trường hợp lên giá phải báo cáo, đăng ký với Sở Tài chính và Sở Công thương; trước khi được Sở Tài chính chấp thuận thì phải thông báo kịp thời các giải pháp cho các đơn vị bán hàng, cửa hàng, đại lý bán lẻ thực hiện.
Trường hợp giá thị trường xuống: đơn vị chủ động điều chỉnh giá, tự bù phần chênh lệch và báo cáo giá điều chỉnh về Sở Tài chính, Sở Công thương.
Công khai thông tin tại nơi bán hàng
Tất cả các địa điểm, cửa hàng bán hàng bình ổn giá phải treo băng rôn hoặc bảng hiệu ghi rõ điểm bán hàng bình ổn giá và tên mặt hàng. Trong các quầy sạp, kệ mà có mặt hàng tương tự, cùng loại nhưng không nằm trong danh mục bình ổn thì những mặt hàng bình ổn phải được ghi rõ là mặt hàng bình ổn giá để người mua và cơ quan quản lý nhà nước biết, kiểm tra, giám sát. Phải niêm yết giá mặt hàng bình ổn rõ ràng, dễ thấy, dễ đọc. Khi không còn tham gia chương trình bình ổn doanh nghiệp phải tháo dỡ, xóa bỏ ngay các thông tin này.
Để thực hiện Kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, Thành phố, các doanh nghiệp, đơn vị tham gia bình ổn thị trường tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời về Sở Công thương để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh giải quyết.
MN