Kế hoạch được ban hành nhằm tổ chức vận động toàn xã hội (cơ quan quản lý Nhà nước, người sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm) nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành nếp sống văn hóa: người dân Việt Nam là người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, người Việt Nam tiêu dùng thực phẩm phải an toàn, góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nâng cao uy tín quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; Tạo dư luận xã hội mạnh mẽ, cổ vũ, biểu dương và tổ chức nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, đồng thời kiên quyết phê phán và xử lý theo quy định của pháp luật hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Mục tiêu chung của Kế hoạch là đến năm 2020 việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn đến năm 2017: Hằng năm, 100% khu dân cư, xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; Tất cả các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm; Vận động ít nhất 50% hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và 100% hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Giai đoạn đến năm 2019: Hằng năm, 100% khu dân cư, xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; Vận động ít nhất 70% hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết và ít nhất 35% hộ được công nhận sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm được công nhận là sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; Tất cả các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm.
Giai đoạn đến năm 2020: Vận động ít nhất 90% hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết và trên 60% hộ được công nhận là sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm được công nhận là sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; Tất cả các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm.
Kế hoạch cũng đề ra 6 nội dung phối hợp và giải pháp thực hiện gồm: Tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm; Xây dựng và nhân rộng các cơ sở hoặc hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn; Tổ chức giám sát chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ trì thực hiện; Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; Tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, phát giác của nhân dân đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm và sơ kết, tổng kết việc thực hiện kế hoạch phối hợp
Để triển khai thực hiện Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt nhiệm vụ đã nêu trong Kế hoạch.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giao Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai Kế hoạch; hằng năm xây dựng kế hoạch thực hiện; tổ chức tập huấn, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, xã triển khai thực hiện Kế hoạch.
KGVX