Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018

Thứ tư - 24/01/2018 09:00 190 0
UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018 nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

​Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là giảm số mắc, tử vong đối với từng bệnh truyền nhiễm được giám sát trên 5% so với năm 2017. Không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đạt 100% các cơ sở y tế công lập, trên 50% cơ sở y tế tư nhân thực hiện giám sát, khai báo bệnh truyền nhiễm thường xuyên, đầy đủ, kịp thời qua hệ thống phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia; 100% các ca bệnh, chùm ca bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi, mới phát sinh có nguy cơ gây dịch được điều tra, giám sát và xử lý trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện; 100% các ổ dịch đang hoạt động, ổ dịch cũ được điều tra, giám sát phát hiện sớm tác nhân và các yếu tố gây dịch và được xử lý kịp thời, triệt để.

Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch đề ra một số giải pháp như: Củng cố các điểm giám sát cố định các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh từ xã đến tỉnh, cả cơ sở công lập và tư nhân. Duy trì hoạt động 24/24h đường dây nóng khai báo dịch bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố.

Tăng cường giám sát dịch tễ thường xuyên tại cộng đồng, giám sát các ổ dịch cũ, vùng có yếu tố nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm đúng quy định để phát hiện sớm nguy cơ dịch và các ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại cộng đồng.

Tổ chức tuyên truyền phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm thường xuyên trên hệ thống Đài Phát thanh và Truyền hình, báo của tỉnh, các phương tiện truyền thông của các địa phương. Tăng tần suất, ưu tiên về giờ phát sóng thuận lợi khi có tình huống hoặc dịch xảy ra. Tổ chức các chiến dịch truyền thông tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm vào các ngày chuyên đề và chiến dịch trong năm như: Ngày quốc tế phòng, chống bệnh dại; Tuần lễ ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết; Ngày vệ sinh yêu nước; Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS; Chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin phòng Sởi - Rubella; Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho phụ nữ... Đặc biệt tăng cường khi có tình huống dịch xảy ra trên địa bàn.

Các cơ sở khám, chữa bệnh từ xã đến tỉnh, cả cơ sở công lập và tư nhân sẵn sàng tiếp đón, khám, tư vấn cho người bị bệnh truyền nhiễm, chuyển đến bệnh viện tỉnh và huyện những trường hợp phải điều trị nội trú theo phân tuyến và chuyên khoa. Củng cố 100% khoa lây tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện để sẵn sàng thu dung, cách ly và cứu chữa cho người bị bệnh truyền nhiễm. Thực hiện tốt việc chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Khi có dịch xảy ra, huy động tối đa lực lượng tại chỗ để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tăng cường các đội, tổ phòng chống dịch cơ động của ngành y tế, hỗ trợ cho lực lượng tại chỗ.

GH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây