Kỷ niệm 40 năm chiến thắng 30.4.1975 Thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam

Thứ ba - 21/04/2015 08:00 232 0
Thắng lợi vĩ đại ngày 30.4.1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đó là bản anh hùng ca tuyệt đẹp của chủ nghĩa yêu nước, là một “biểu tượng Việt Nam” sáng ngời của thế kỷ XX.

chien thang 2.jpg

Nhân dân Sài Gòn đón mừng đoàn quân giải phóng trưa ngày 30.4.1975

Sau thất bại của thực dân Pháp năm 1954, đế quốc Mỹ đã thay chân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh huỷ diệt chưa từng có ở Việt Nam. Trong 21 năm chiến tranh, đế quốc Mỹ đã huy động tổng cộng 6,6 triệu lượt binh sĩ, 70.000 quân chư hầu tham chiến tại Việt Nam làm nòng cốt cho hơn 1 triệu quân nguỵ Sài Gòn.

Đánh giá về sự vượt trội hoàn toàn của quân đội nhà nghề Mỹ tham chiến ở Việt Nam, cựu Tổng thống Mỹ R.Nixon thừa nhận trong hồi ký "No More Vietnams": Trong lịch sử nhân loại chưa hề có một quốc gia nào chiếm ưu thế hơn hẳn về vũ khí như Hoa Kỳ so với Bắc Việt Nam. Hoa Kỳ, một cường quốc hạt nhân, có 180 triệu dân, với GDP hơn 500 tỷ đô la và một quân đội đông hơn 1 triệu người, chống lại một nước nhỏ bé 16 triệu dân, GDP không đến 2 tỷ đô la, với một đội quân chỉ có khoảng 25 vạn người".

Nhằm đè bẹp và làm tê liệt ý chí chiến đấu của những người yêu nước ở miền Nam và quân giải phóng, các đơn vị quân đội Mỹ ở chiến trường áp dụng chính sách huỷ diệt tất cả. Cụ thể, cứ mỗi một phát đạn của kẻ thù bắn ra thì sẽ có 1.000 phát đạn bắn trả.

Mệnh lệnh cao nhất người lính Mỹ được yêu cầu phải thực hiện trên chiến trường Việt Nam là "giết chết tất cả những gì động đậy, phá sập tất cả những gì bất động" để đẩy Việt Nam vào "thời kỳ đồ đá". Tổng cộng, Mỹ đã dội 7,8 triệu tấn bom đạn trên khắp các chiến trường Việt Nam, nhiều hơn khối lượng bom đạn mà Mỹ đã sử dụng trong bất cứ cuộc chiến tranh nào trước đó.

Mỹ cũng đã rải xuống miền Nam Việt Nam 70 triệu lít chất độc hoá học, trong đó chứa 366kg Dioxin, hậu quả là hơn một nửa diện tích rừng của Việt Nam đã bị thiêu rụi và di chứng của thứ chất độc tàn ác ấy đến nay vẫn đang hành hạ hàng vạn gia đình người dân Việt Nam.

Trước dã tâm xâm lược và những tội ác tày trời của đế quốc Mỹ, dân tộc Việt Nam - một dân tộc vốn yêu chuộng hoà bình nhưng sẵn sàng "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" đã lại phải một lần nữa đứng lên cầm súng giành lại quyền sống, quyền tự do cho mình: Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hoá vàng nhân phẩm, lương tâm/ Chúng muốn ta bán mình ô nhục/ Ta làm sen thơm ngát giữa đầm" (Tố Hữu).

chien thang 3.jpg

Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước của dân tộc đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử ngày 30.4.1975 "rợp trời cờ đỏ, trúc chẻ ngói tan, quét sạch hung tàn, quê hương giải phóng".

Thắng lợi vĩ đại ngày 30.4.1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đó là bản anh hùng ca tuyệt đẹp của chủ nghĩa yêu nước, là một "biểu tượng Việt Nam" sáng ngời của thế kỷ XX.

Đúng như Đại hội VI của Đảng ta đã khẳng định, chiến thắng 30.4.1975 "mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".

Chiến thắng ngày 30.4.1975 của dân tộc Việt Nam, đồng nghĩa việc đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn và hiện đại của siêu cường số 1 thế giới đã khiến cho cả nước Mỹ phải bàng hoàng.

Khi quyết định cuộc phiêu lưu quân sự ở một đất nước đất không rộng, người không đông, kinh tế kém phát triển, trang bị vũ khí hết sức đơn sơ, giới chức cầm quyền Mỹ có niềm tin tuyệt đối rằng, sức huỷ diệt khủng khiếp của bom đạn Mỹ, sự hấp dẫn không thể cưỡng của những đồng đô-la xanh được hào phóng ban phát cho những ai quy phục sẽ khiến quân đội Mỹ nhanh chóng giành thắng lợi.

Quá tôn thờ sức mạnh vật chất nên người Mỹ đã không nhận ra, không đánh giá hết sức mạnh tinh thần to lớn của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh đó bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân đã được tôi luyện, hun đúc trong suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, để "mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".

Vì lòng yêu nước, mọi con người Việt Nam quyết không sợ bất cứ thế lực xâm lược nào, dám đánh, quyết đánh và quyết thắng. Vì yêu nước, người Việt Nam "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Trong thời đại Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước đó càng được phát huy và nhân lên gấp bội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam: Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng/ Đến em thơ cũng hoá những anh hùng/ Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ/ Và hoa trái cũng biến thành vũ khí" (Tố Hữu).

Dù đế quốc Mỹ đã viện đến những chiến lược gia thông thái, tài ba nhất; đã huy động tiềm lực quân sự khổng lồ, khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại nhất; đã triển khai tất cả những chiến lược, thủ đoạn chiến tranh tinh vi, tàn bạo nhất nhưng chừng đó ưu thế cũng không thể giúp cho quân đội viễn chinh Mỹ ở Việt Nam tránh được thảm bại nhục nhã.

Cũng là cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon viết trong cuốn "Chiến thắng mà không cần chiến tranh": "Tấn thảm kịch Việt Nam đã làm tổn thương nước Mỹ, làm tổn hại chúng ta trong con mắt bạn bè nước ngoài, hạ thấp chúng ta trong con mắt đối phương… Sự thất bại của chúng ta ở Việt Nam làm hổ thẹn một nước mà không mấy khi thất bại. Và ngày nay, nước Mỹ vẫn "đang trong cơn đau dữ dội của hội chứng Việt Nam".

Giải thích cho thất bại của Mỹ tại Việt Nam, một cựu tổng thống khác của nước Mỹ - Gerald Ford đã viết khi trả lời thư của một cựu binh thuỷ quân lục chiến Mỹ tại Việt Nam ngày 15.6.2000: "Mỗi nước đều có hồn dân tộc được tôi luyện qua gian khổ. Họ có thể bị quân đội nước ngoài đô hộ nhưng linh hồn của một dân tộc vĩ đại như Việt Nam thì mãi mãi sáng ngời".

Không hẹn mà gặp, giới chức cầm quyền Mỹ đã phạm vào đúng sai lầm của thực dân Pháp, được tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ De Castries rút ra sau thất bại của tập đoàn này ngày 7.5.1954: "Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc".

40 năm đã trôi qua kể từ sau chiến thắng lịch sử 30.4.1975. Thời gian càng lùi xa thì các thế hệ người Việt Nam càng cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn giá trị và bài học của chiến công chói lọi này. Hơn bất cứ một dân tộc nào trên thế giới, nhân dân Việt Nam luôn thiết tha với hoà bình, khát vọng tự do và hạnh phúc.

Nhưng vì sinh mệnh và sự tồn vong của dân tộc mà nhân dân ta, cả hai miền Nam - Bắc, tiền tuyến và hậu phương buộc phải cầm súng quyết chiến đấu và quyết chiến thắng, để hôm nay mọi người Việt Nam được sống trong hoà bình, được tự do mưu cầu hạnh phúc, để đất nước Việt Nam nay đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Hơn lúc nào hết, công cuộc đổi mới và sự phát triển kinh tế ngày nay đòi hỏi chúng ta phải luôn nuôi dưỡng và phát huy tinh thần 30.4, trí tuệ 30.4, sức mạnh 30.4 trong cuộc chiến chống nghèo nàn, lạc hậu, chống tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực xã hội khác.

Với ý nghĩa đó, chiến thắng 30.4 vẫn đang và sẽ mãi mãi là động lực tinh thần to lớn để chúng ta kiên định, vững bước trên con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã chọn: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ra sức phấn đấu vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây