Trước những thất bại nặng nề ở cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam, ngày 22/10/1972 Tổng thống Nixon buộc phải ra lệnh ngừng ném bom và bắn phá từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra. Thời gian này, Hội nghị bốn bên ở Paris đã họp gần 160 phiên nhưng phía Mỹ vẫn dây dưa, lật lộng. Đoán được ý đồ của địch, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã lệnh cho các lực lượng vũ trang: “có nhiều khả năng địch sẽ đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn kể cả việc dùng B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng. Do đó nhiệm vụ của quân chủng Phòng không - Không quân là tập trung mọi khả năng, nhằm đúng đối tượng B-52 mà tiêu diệt”. Đúng như vậy, ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon ký phê chuẩn chiến dịch Linebacker 2, ra lệnh tập kích trên không vào Bắc Việt Nam bằng B-52 vào lúc 7 giờ sáng ngày 18/12/1972 (giờ Hà Nội là 19 giờ ngày 18/12/1972).
B-52 là loại “siêu pháo đài bay chiến lược” do hãng Boing sản xuất, chiếc đầu tiên được đưa vào bay thí nghiệm ngày 16/4/1952 nên được gọi là B-52. Sau 20 năm từ năm 1952 đến năm 1972, B-52 đã qua 8 lần cải tiến từ B-52A đến B-52G, B-52H. Mỗi chiếc B-52G hoặc B-52H (loại bị bắn rơi tại Hà Nội tháng 12/1972) có thể mang trên dưới 100 quả bom với trọng lượng từ 17 đến 30 tấn cùng nổ chỉ trong phạm vi từ 3 đến 10 giây đồng hồ. Mỗi B-52 được trang bị 15 máy điện tử phát nhiễu chống lại các loại ra đa của đối phương. Khi B-52 tấn công mục tiêu còn có máy EB66 gây nhiễu phía ngoài và nhiều tốp F4 thả nhiễu tiêu cực là những bó sợi hợp kim nhôm trong khu vực độ dài 40 km đến 70 km, dày khoảng 2 km để gây nhiễu. Trung bình mỗi chiếc B-52 đi chiến đấu có 7 máy bay chiến thuật đi kèm. Với sức mạnh của “siêu pháo đài bay B-52”, Hoa Kỳ cho rằng “đối phương không thể có cách chống đỡ và không còn một sinh vật nào tồn tại nổi dưới những trận mưa bom kinh khủng của loại B-52 bất khả xâm phạm”.
Chiến dịch tập kích miền Bắc Việt Nam bằng không quân của đế quốc Mỹ được bắt đầu vào đêm 18 rạng sáng ngày 19/12/1972, địch đã cho 87 lần chiếc B-52, 135 lần chiếc máy bay chiến thuật ném bom Hà Nội. Đêm 19/12/1972, chúng tổ chức tiếp 3 đợt bắn phá dã man vào Hà Nội với 93 lần chiếc B-52 và 163 lần chiếc máy bay chiến thuật. Đêm 20 rạng sáng ngày 21/12/1972, không quân Mỹ đánh phá Hà Nội với 8 tốp B-52 (24 chiếc), gần 170 chiếc máy bay chiến thuật. Khối lượng bom dội xuống Hà Nội trong 12 ngày đêm tương đương với 5 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroshima của Nhật năm 1945, đủ sức công phá biến Hà Nội thành đống đổ nát, không còn sự sống.
Nhưng Hà Nội vẫn bình tĩnh, lạc quan, kiên cường, bất khuất giữa những ngày bom đạn khốc liệt. Các chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang của ta với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã dũng cảm chiến đấu đánh trả từng đợt tấn công của quân thù. Trong 12 ngày đêm (từ 18/12/1972 đến 29/12/1972) quân và dân Hà Nội đã lập một kỳ tích lịch sử, bắn rơi 23 máy bay B-52, bắt sống nhiều phi công Mỹ. Trong chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm như Thượng uý phi công Vũ Xuân Thiều: Ngày 28/12/1972, được thông báo có B-52 xuất hiện, Thượng uý phi công Vũ Xuân Thiều nhận lệnh xuất kích. Anh báo cáo với Trung đoàn trưởng: “Bắn mà B-52 địch không rơi tại chỗ, tôi sẽ xin lao thẳng vào nó”. 21 giờ 45 phút ngày 28/12/1972, Vũ Xuân Thiều bắn bị thương chiếc B-52D của Lewis và anh đã lao thẳng chiếc Mig của mình vào B-52 địch, anh dũng cảm hy sinh khi mới 27 tuổi. Phía Hoa Kỳ công nhận đây là chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ bị không quân Bắc Việt Nam bắn hạ tại chỗ. Sau này liệt sĩ Vũ Xuân Thiều được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ở Hà Nội hiện nay có một đường phố được mang tên anh Vũ Xuân Thiều.
Chiến thắng này thể hiện ý chí và trí tuệ Việt Nam. Đó là công lao của quân dân toàn miền Bắc, công đầu thuộc về toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng Phòng không - Không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam, từ Tư lệnh đến chiến sĩ các đơn vị tên lửa, cao xạ, ra đa; của toàn thể lực lượng vũ trang, công an, tự vệ…Ngoài ra các chiến sĩ áo trắng ngành Y cũng góp phần không nhỏ vào những chiến thắng trên. Ngay khi báo động có máy bay B-52, mặc cho bom rơi đạn nổ trên đầu, anh chị em không ngại hy sinh, nhanh chóng từ nhà đến bệnh viện cấp cứu những người bị thương do bom đạn giặc Mỹ. Hàng chục bác sĩ, dược sĩ, công nhân viên các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt- Đức…sinh viên Trường Đại học Y khoa đang thực tập tại các bệnh viện đã trở thành liệt sĩ…
Dư luận thế giới cho đây là một “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội. Sau sự kiện này, Tổng thống Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom trên toàn miền Bắc Việt Nam từ ngày 30/12/1972, đi đến việc ký kết Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam” ngày 27/01/1973.
Nhật Quang
Ý kiến bạn đọc