Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20.10: Người giao liên “nghiệp dư”

Thứ hai - 19/10/2015 08:00 83 0
Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, việc liên lạc giữa Mặt trận dân tộc giải phóng ở bên ngoài với cơ sở trong nội ô thị xã Tây Ninh là cực kỳ khó khăn, nên việc chuyển ra chiến khu một lượng thuốc men hoặc số tiền lớn càng khó khăn hơn nhiều. Vậy mà có những người phụ nữ bình thường đã làm được cái công việc đáng gọi là phi thường đó.

 

Bà Kim Anh và tấm Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.

Một trong những người phụ nữ bình thường đó là bà ​​​​​Nguyễn Thị Kim Anh, sinh năm 1943 (sau ngày giải phóng miền Nam, do cán bộ làm giấy chứng minh nhân dân ghi nhầm là năm 1945, làm bà... trẻ đi 2 tuổi). Sinh ra trong một gia đình bần nông, đông anh chị em tại làng Long Thành, quận Phú Khương (nay là huyện Hoà Thành), mẹ bận tham gia hoạt động mật cho cách mạng, bà Kim Anh phải đi cấy gặt thuê khi vừa mới lớn.

Năm 18 tuổi, khi đi cấy lúa trên cánh đồng Xóm Hố (nay là khu phố 5, phường 1, TP. Tây Ninh) bà gặp và quen ông Trần Văn Liên còn gọi Ba Liên (sau 30.4.1975 là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự thị xã Tây Ninh). Rồi hai người tổ chức đám cưới vào đầu năm 1963 khi bà mới 20 tuổi.

Chuỗi ngày hạnh phúc bên nhau ngắn chẳng tày gang, sau đó chừng hơn một tháng, ông Ba Liên nhận nhiệm vụ cách mạng giao cho, cùng một số chiến sĩ nội tuyến khác phá vỡ tổ chức trung đội thanh niên chiến đấu của địch tại ấp chiến lược Thái Hoà, cướp 11 súng và 10 quả lựu đạn rồi thoát ly gia đình luôn.

Lúc này bà Kim Anh mới biết gia đình bên chồng là cơ sở của cách mạng và ông Ba Liên còn có một người chú ruột đang tập kết ở miền Bắc. Hai nhà cùng chí hướng, điều đó càng thuận lợi để bà nối tiếp truyền thống gia đình, theo bước chân người mẹ (một cơ sở giao liên của Việt Minh thời chống Pháp) mà không sợ bị bên chồng ngăn cản.

Chồng lên chiến khu, bà lánh mặt về bên ngoại ở khu vực Lò Heo, Thị xã. Hằng ngày, bà gói bánh ít, bánh ú, làm sương sa đem bán dài theo các nẻo đường trên địa bàn xã Thái Hiệp Thạnh, qua đó nắm tình hình địch ở khu vực Lò Heo, Chợ Cũ để báo cho cách mạng.

Đến tháng 2 năm 1969, cơ sở hầm bí mật tại nhà bà Chín Hung- một người thân bên gia đình chồng của bà Kim Anh bị lộ, bà Chín Hung cùng con trai là Ba Tốt bị địch bắt, gia đình chồng bà cũng bị chúng nghi ngờ.

Thấy tình hình không ổn, cha chồng của bà Kim Anh liền đưa con dâu và 2 đứa cháu nội chạy lên Tà Bôi, Tà Ây trên biên giới sống cùng bà con người Việt ở đó, vừa tránh địch vừa làm “hậu phương” cho ông Ba Liên đang bám trụ địa bàn. Mẹ chồng của bà thì chạy vô Toà thánh náu thân, mấy tháng sau nơi ăn ở trên biên giới ổn định, bà mới về móc ráp đưa mẹ lên sum họp gia đình.

Trên biên giới, gia đình bà Kim Anh gặp lại ông Sáu Trừ (vốn là cơ sở hậu cần Việt Minh trước đây) và ông Sáu Hắc, lúc này hai người đang làm cán bộ kinh tài của Thị uỷ Tây Ninh. Ông Sáu nhiều lần viết thư nhờ bà đem về Thị xã, tìm cách trao đến tay ông Tư Danh- một người bà con ruột thịt của ông Sáu đang là công chức của chế độ Sài Gòn tại Tây Ninh, làm việc trong ngành tài chính - kho bạc.

Nội dung thư là đề nghị ông Tư Danh vận động tiền gửi lên ủng hộ kháng chiến. Trên đường ra vào Thị xã, tuy bị địch tổ chức khám xét gắt gao, nhưng bà Kim Anh nhờ dũng cảm mưu trí đã nhiều lần qua mắt địch, hoàn thành nhiệm vụ chuyển thư mật từ biên giới về và chuyển tiền “đảm phụ giải phóng” do dân đóng góp từ thị xã lên.

Năm 1970, sau trận càn Đông Dương, tình hình biên giới dần ổn định trở lại, nhưng việc ra vào Thị xã và các cửa khẩu vẫn không bớt phần khó khăn. Thời gian này, bà Kim Anh sinh đứa con thứ ba.

Dù bận con mọn, bà vẫn thường xuyên đi về giữa Thị xã và biên giới với vỏ bọc bên ngoài là “đi buôn chợ trời” thông qua ba con đường mà nhiều chị em đi chặt lá mật cật trong rừng về chằm nón thường đi lại như qua đò Cẩm Giang sang Hố Đồn, Giồng Nần đi lên;

Từ Bến Sỏi sang Ninh Điền lên; hoặc theo đường Thanh Điền ra bưng Hãng, nhờ bà con đưa qua sông rồi lên biên giới. Trong những chuyến đi đó, bà được giao nhiệm vụ khi thì đưa thanh niên lên rừng tòng quân, khi thì móc nối gia đình tổ chức đưa người thân lên thăm anh em “đằng mình”, khi thì đi mua thuốc tây cho trạm xá Ban Dân y Thị xã, khi lại chuyển báo cáo của cơ sở trong nội thị cho lãnh đạo ở bên ngoài…

Hỏi về những kỷ niệm “thót tim” trong cuộc đời làm “giao liên nghiệp dư”, bà Kim Anh bồi hồi nhớ lại…

Tháng lúa mùa vừa nở bụi năm 1969, ông Tám Thương (Ban Dân y Thị xã) đóng ở Tà Bôi nhờ bà về Thị xã mua giúp một số thuốc men. Bà đến một cửa hàng tạp hoá kiêm cửa hàng bán thuốc tây (về sau mới biết ông chủ cửa hàng này là một lính kiểng ở tiểu khu Tây Ninh) hỏi giá, thấy đắt quá bà không mua mà tìm đến một cửa hàng thuốc tây khác.

Mua đủ số thuốc theo yêu cầu, bà quay trở lại cửa hàng tạp hoá mua một thùng bánh kẹp loại 5-6 kg/thùng (thời ấy gọi là bánh chung tình, bánh phu thê- người ta hay mua để đãi khách trong các đám cưới ở vùng nông thôn giải phóng) đem về tháo bánh ra, đưa bọc thuốc tây vào gần dưới đáy thùng rồi xếp bánh lên để nguỵ trang.

Xong, bà đi xe xuống Gò Dầu ngủ chờ sáng tùng theo các bà buôn bán chợ trời mà lên biên giới. Sáng ra khi cửa khẩu vừa mở, đoàn người tuần tự bước qua cửa khẩu.

Đến lượt bà Kim Anh, một tên chỉ huy chỉ vào giỏ hàng của bà hỏi mang gì? Bà trả lời: “Bánh xốp”! Không biết tên nọ muốn bắt nọn bà để làm tiền hay có ai mách báo mà hắn gọi một thằng lính trẻ măng đến bảo: “Trên tiểu khu vừa điện xuống, bà này buôn lậu thuốc tây, giấu trong thùng bánh xốp, mày đưa bà này ra chỗ kia khám xét kỹ cho tao!”.

Bà Kim Anh nghĩ thầm: “Không biết nó nói có thật không, mình cứ giả bộ cây ngay không sợ chết đứng, đấu tranh quyết liệt với nó, tới đâu hay đó, cùng lắm khi bị lộ sẽ… xuỳ tiền”. Ra tới chỗ khám xét, bà nói cứng với thằng lính: “Bánh này tui lấy tại tiệm có uy tín, đem qua bển bán cho người ta, chú dỡ ra phải thật khéo, nếu khám xét không có gì, bánh hư bể hay bị dơ là tui bắt đền chú”.

Thằng lính móc ra gần chục lớp bánh mà chẳng thấy gì, lại bị bà tác động, ca cẩm hoài nên nản chí, bèn quay lại nói lớn với thằng chỉ huy đang bận khám xét và đút túi những món tiền lót tay của bà em chợ trời: “Báo cáo sếp, trong thùng toàn bánh, không có thuốc!”. Thằng chỉ huy trả lời theo quán tính: “Không có thì cho đi!”.

Tháng 12.1970, Thị đội Tây Ninh nhờ bà Kim Anh mang một số di ảnh, vật lưu niệm của liệt sĩ tìm về các địa phương để báo tử với gia đình của người đã khuất. Bà ẵm đứa con trai 7 tháng tuổi lên đường không chút đắn đo. Khi mang di ảnh của một đồng chí tên Út Trang đến báo tử cho gia đình đồng chí này tại xã Thạnh Đức, Gò Dầu, bà đụng phải một tình huống bất ngờ.

Cha của liệt sĩ Út Trang chẳng những không tiếp, không nghe mà còn quát lớn với bà: “Nhà này không ai theo Việt Cộng, cô đi đi, không tui kêu cảnh sát tới bắt cô giờ”! Sau ngày miền Nam giải phóng, gặp lại người chị thứ tám của liệt sĩ Út Trang, bà Kim Anh mới hiểu ra, gia đình liệt sĩ Út Trang thường bị bọn bình định nông thôn cho người giả danh giao liên cách mạng đến “hỏi thăm” cho nên ông già mới cảnh giác như vậy!

Nói về công việc mình từng làm, bà Kim Anh thổ lộ: “Tui chỉ là một giao liên “nghiệp dư”, vì tui không có trong tổ chức cách mạng, không thuộc biên chế của một đơn vị nào. Ngày ấy tui đi giao liên cho mấy anh, mấy chú là vì thương mấy anh mấy chú, thấy họ dám chịu đựng hy sinh, gian khổ thì tui sẵn sàng giúp đỡ, chớ không nghĩ là mình hoạt động cách mạng gì đâu!”.

 

Theo BTNO


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây