|
Dây chuyền sản xuất bột mì tại một công ty ở Dương Minh Châu.
Nền kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đang phát triển mạnh mẽ, khu vực cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) kỳ vọng sẽ hình thành vào cuối năm 2015 và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), cùng với Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam vừa tuyên bố kết thúc vòng đàm phán. Đây được coi là bước ngoặt đánh dấu sự hoà nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á.
Theo Sở Công Thương Tây Ninh, sau 5 năm (giai đoạn 2011 - 2015), giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Tây Ninh đạt 192.005,7 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 17,50%/năm. Trong 5 năm, hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển.
Phần lớn các doanh nghiệp đều chú trọng đến chất lượng, tiết kiệm chi phí trong sản xuất nhằm hạn chế việc làm tăng giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Hiện tại, Tây Ninh có 4 KCN đang hoạt động với diện tích 2.209,43 ha và 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích 214,98 ha. Tây Ninh với thế mạnh là một trong những tỉnh sản xuất mía đường hàng đầu của Việt Nam với diện tích 16.124 ha; đứng đầu sản xuất, xuất khẩu bột mì; đứng thứ hạng cao trong chế biến cao su... và một số ngành công nghiệp cơ khí, xây dựng khác sẽ có nhiều thuận lợi theo lộ trình giảm thuế suất xuống còn 0%.
Sắp tới, theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, giai đoạn sắp tới sản xuất công nghiệp là trọng tâm phát triển kinh tế của Tây Ninh. Phía Bắc phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu; phía Nam phát triển các ngành công nghiệp khác, ưu tiên ngành công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Các dự án quy mô lớn đầu tư trong năm 2014, 2015 đang đi và hoạt động ổn định theo công suất thiết kế.
Các dự án dệt may thu hút vào các phân khu công nghiệp dệt may, công nghiệp hỗ trợ tại các KCN Phước Đông, Thành Thành Công, Linh Trung III dự kiến sẽ chuyển hướng thu hút các dự án có hàm lượng chất xám cao, cùng với các dự án đầu tư ở các cụm công nghiệp Ninh Điền, Hoà Hội, Tân Hội 1… sẽ đưa ngành công nghiệp Tây Ninh phát triển mạnh trong giai đoạn 2016- 2020 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững;
Giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Đây cũng là cơ sở để Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
Về vấn đề thị trường, Sở Công Thương nhận định, hiện có nhiều ý kiến của các doanh nghiệp tại Tây Ninh cho rằng, mở rộng thị trường là việc cần phải làm nhưng không phải ở giai đoạn hiện tại. Trước mắt, các doanh nghiệp cần tính toán củng cố thị trường truyền thống vì nhiều nước có những mặt hàng tương tự như Việt Nam cũng tham gia TPP; bên cạnh đó cần quan tâm nhiều hơn về chất lượng, giá cả và khâu hậu mãi khi tham gia thị trường.
Hơn nữa, một trong những khó khăn cho các doanh nghiệp tại Tây Ninh là phần lớn các cơ sở công nghiệp của tỉnh còn ở quy mô nhỏ và vừa, suất đầu tư cho máy móc thiết bị còn thấp, sản phẩm công nghiệp chủ yếu là gia công, chế biến dạng nguyên liệu nên chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng, sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ yếu là của các doanh nghiệp FDI;
Trong khi đó Tây Ninh cũng chưa thu hút và phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, trong thời gian này, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu thật kỹ pháp luật, hàng rào kỹ thuật của những đối tác trong TPP, nhất là các nước khu vực châu Mỹ để giảm thiểu tối đa rủi ro chuẩn bị cho những bước phát triển sau này.
Mặt khác, tuy tình hình kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, hàng rào kỹ thuật trong xuất nhập khẩu hàng hoá, việc tham gia thành viên của Hiệp định TPP sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng sẽ khó khăn nếu các doanh nghiệp trong nước nói chung, địa bàn tỉnh Tây Ninh nói riêng không đáp ứng điều kiện, phải chịu sức ép cạnh tranh từ hàng hoá nhập khẩu, sản phẩm dịch vụ, đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong các nước AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) khác.
Vì vậy, chỉ có doanh nghiệp mang tính chất năng động, quy mô lớn chủ động đổi mới sáng tạo mới có thể tồn tại. Song song đó, doanh nghiệp cần sự đồng hành của cơ quan Nhà nước và nông dân trong liên kết phát triển bền vững.
Mới đây, phát biểu tại buổi lễ họp mặt kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ nhận định: Hiện tại các doanh nghiệp một mặt phải đối mặt với các rào cản thương mại nhằm bảo hộ sản xuất nội địa tại các thị trưởng xuất khẩu chủ yếu, mặt khác lại phải cạnh tranh gay gắt ngay chính tại thị trường trong nước.
Nhất là việc kết thúc sau 5 năm đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) vào ngày 5.10.2015 vừa qua, hàng hoá Việt có cơ hội phát triển vươn xa ra thị trường mới, nhưng lại tiếp tục phải đối mặt với những yêu cầu kỹ thuật hết sức khó khăn để có thể hưởng được những thuận lợi do Hiệp định mang lại. Trong thời gian tới, những khó khăn, thử thách với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Tây Ninh vẫn còn rất lớn.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khoa học công nghệ nói riêng phát triển; tập trung hỗ trợ sản xuất các sản phẩm công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao phục vụ trong sản xuất công nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất… Hy vọng với quyết tâm trong giai đoạn mới Tây Ninh sẽ thực sự tăng tốc trên đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Theo BTNO